Năm 2023, năm bản lề của thời kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022, nhất là trong bối cảnh thị trường vốn nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục, xử lý.
Có hai vấn đề lớn đang tồn đọng ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, đó là kỳ hạn của trái phiếu quá ngắn và mức lãi suất quá cao, đồng thời là sự bất hợp lý giữa các nhóm ngành nghề khác nhau. Ngoài ra, nhiều trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành không có tài sản bảo đảm, lãi suất cao đi kèm rủi ro nhưng không tư vấn cho khách hàng...
Thị trường thiếu lành mạnh như bệnh ung thư, dù mất mát vẫn phải xử lý các sai phạm để các thị trường phát triển đúng bản chất, lành mạnh, bền vững.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thẳng thắn: “Thị trường thiếu lành mạnh như bệnh ung thư, dù mất mát vẫn phải xử lý các sai phạm để các thị trường phát triển đúng bản chất, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, giữ ổn định hệ thống, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan”, Thủ tướng nói và cho biết việc “chữa bệnh thì phải mất thuốc, mất thời gian, mất công sức và phải chờ thời gian để ngấm thuốc mới hồi phục”.
Bởi thế, năm 2023 được kỳ vọng sẽ là thời gian sửa và chữa những tồn đọng của thị trường trái phiếu, để thị trường được minh bạch và bền vững.
Phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu sẽ tạo ra kênh dẫn vốn trung dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường bất động sản. Ngành bất động sản tăng trưởng lành mạnh không chỉ có lợi cho ngành mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế qua nhiều ngành nghề khác nhau. Sự phát triển bền vững của các thị trường này sẽ hỗ trợ động lực phát triển trung, dài hạn của nền kinh tế.
Với bối cảnh năm 2023, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, dự báo thanh khoản của thị trường TPDN và rủi ro liên thông giữa thị trường này với thị trường tiền tệ và thị trường tài sản sẽ là rủi ro mang tính trọng yếu của giai đoạn 2023-2024.
Việc siết lại tiêu chuẩn về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng tại Thông tư 16/2021 và Nghị định 65/2022 khiến thị trường đối mặt với những điều chỉnh mạnh. Vì vậy, Chính phủ nên cho phép sửa đổi quy định pháp luật với mức độ cân bằng, phù hợp giữa kiểm soát rủi ro và hỗ trợ phát triển lành mạnh.
Năm 2023 kỳ vọng thị trường trái phiếu minh bạch, bền vững
Để hỗ trợ thị trường TPDN và giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái hỗ trợ. Cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022 về phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng hỗ trợ cho thị trường cả về bên cung và bên cầu.
Theo dự thảo Nghị định mới, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong 1 năm khi phát hành TPDN riêng lẻ và sẽ thực hiện quy định này từ ngày 1/1/2024.
Ngoài ra, bổ sung quy định về việc doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay, hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật liên quan để doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức khác nhau trong việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.
Không chỉ vậy, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp trước hết phải minh bạch thông tin và đưa ra những thông điệp mạnh mẽ về định hướng quản lý, phát triển thị trường; có phương án cụ thể, khả thi cho thị trường trái phiếu thời gian tới.
Nhà nước cần khơi thông các nguồn vốn, cụ thể là đẩy nhanh hơn nữa Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và hết sức quan tâm tới pháp lý cho hàng nghìn dự án bất động sản đang tồn đọng trên cả nước.
UBCKNN cũng chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN chào bán riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường giao dịch TPDN thứ cấp minh bạch, an toàn.
Xem thêm: lmth.499005-gnuv-neb-hcab-hnim-ueihp-iart-gnourt-iht-gnov-yk-3202-man/ut-uad/nv.ylgnoc