Sáng mùng 5 Tết, tôi và cả nhà đi xem phim Nhà Bà Nữ, bộ phim Tết đang làm mưa làm gió ở rạp. Lẽ ra chiều mùng 4, nhưng khi chúng tôi đến rạp Galaxy ở Bến Tre lúc 4:30, vé đã không còn cho đến tận 8:00, nhưng chỗ ngồi không đẹp. Thế là cả nhà mua vé trước cho suất 10:30 sáng mùng 5, mới có chỗ.
Phim của Trấn Thành, về đề tài xung đột gia đình giữa cha mẹ và con cái, năm ngoái Bố Già là cha và con trai, năm nay Nhà Bà Nữ là mẹ và con gái. Bối cảnh đều là người lao động chân tay, văn hoá thấp. Diễn viên hầu hết là diễn viên kịch như Việt Anh, Ngọc Giàu, Lê Giang, Trấn Thành, Hoàng Mèo, Khả Như…
Phim “Nhà bà Nữ” vừa đạt gần 120 tỉ đồng chỉ sau 4 ngày công chiếu. Ảnh: NSX |
Phim mang hơi hướng kịch, vì vậy hơi ồn ào, nói nhiều, đôi khi kịch tính hoá nên lố. Tuy nhiên, vì là diễn viên kịch nên các diễn viên đã nhập tâm rất tốt, họ đã truyền đạt cảm xúc đầy gần gũi, lôi cuốn và đầy đặn, cái mà các diễn viên điện ảnh non nghề không dễ có được.
Ngôn ngữ trong phim là ngôn ngữ kịch hơn là điện ảnh, và Trấn Thành đã đưa lối nói bỗ bã của người lao động vào phim hơi quá mức cần thiết, đến nỗi người xem tư duy một chút sẽ tự hỏi, liệu cách xưng hô mày tao giữa vợ chồng hay những câu chửi nặng nề xúc phạm cho những tình huống chưa tới mức có tồn tại hay không giữa đời thật.
Phim ngắn, về một vấn đề mà nhà nào cũng có, cha mẹ và con cái nào cũng gặp, nên nó tạo ra cảm giác phim đang nói về nhà mình.
Tuy nhiên, thông điệp mà phim truyền tải là rất tốt nhưng việc trình bày câu chuyện của nhân vật thiếu tính thuyết phục.
Bà Nữ (Lê Giang) là vai diễn tôi thích nhất. Bà xé ảnh mấy hotboy trong phòng con gái, bảo rằng mày dán hình tụi nó trong phòng thì khi mày thay đồ tụi nó thấy hết! Lố mà vui! |
Thông điệp là người trẻ có quyền theo đuổi mong muốn của mình, người trẻ có quyền phạm sai lầm, người trẻ có quyền trải nghiệm thất bại. Tuy vậy, các nhân vật trong phim đều là người chưa thật sự trưởng thành, họ còn đi học, họ còn sống bằng tiền của cha mẹ. Các nhân vật trẻ trong phim cũng sống một lối sống buông thả và hưởng thụ, và khi có xung đột với gia đình thì sẵn sàng bỏ nhà đi theo tiếng gọi tình yêu, không một chút dằn vặt suy nghĩ liệu mình có nên làm thế hay không.
Theo quan điểm cá nhân, là một người cha, là một người thầy, tôi nghĩ cách đạo diễn cho các nhân vật của mình sống như thế sẽ cổ suý cho người trẻ hành xử như vậy. Có lẽ do phim ngắn quá mà phải giải quyết một vấn đề quá lớn.
Phim cũng có nhiều điểm bất hợp lý về nội dung và diễn biến tâm lý nhân vật. Ví dụ cô gái tên Nhi luôn rất mong manh, hiền hoà dù sống trong gia đình ồn ào, vì vậy khi cô bất ngờ xưng mày tao lúc cãi nhau với người yêu là không hợp lý, dù có thể lý giải rằng cô bị ảnh hưởng gia đình. Một cô gái như thế, trong bối cảnh như thế, sẽ chỉ khóc mà thôi. Hay John, du học sinh về nước, phụ thuộc vào cha mẹ, bỏ nhà theo Nhi, xe máy còn không có thì lấy đâu tiền tỉ để kinh doanh? Rồi như bạn Quỳnh, tuổi Nhi, còn đi học, thì lấy đâu có tiền tỉ để John gọi mượn…
Một điểm cộng của phim là màu đẹp, góc máy rất chỉn chu và công phu. Có lẽ ê kíp làm phim toàn người Hàn nên phim khá hiện đại theo kiểu phim Hàn. Có những góc máy quá đẹp, như khi Nhuận rửa cua ở đầu phim, khúc cắt hành lá, khúc tiệm đồ gốm, đẹp lắm.
Tuy vậy, phim vẫn thu hút người xem phổ thông, đến rạp để xem phim ngày tết. Khán giả không cần quan tâm nhiều liệu phim nghiêng về kịch hay điện ảnh, ngôn ngữ kịch hay ngôn ngữ điện ảnh. Họ chỉ thấy câu chuyện quen thuộc với họ. Tôi thấy nhiều người trẻ khóc, tôi thấy nhiều người lớn lặng lẽ lau khoé mắt trong đó có tôi, tôi thấy mọi người trong rạp ngồi lại lâu sau khi phim kết thúc, và tôi nghĩ như vậy là phim thành công rồi, nó đúng chất giải trí và có thông điệp, dù chưa thuyết phục lắm.
Tôi có xem bài review ngắn của một nhà văn nổi tiếng. Bên dưới bài viết có nhiều lời bình luận của các nhà chuyên môn, những người được xem là có văn hóa, là đang làm văn hóa. Vậy mà họ đăng những lời bình hằn học, ngôn từ xấu xí, thậm chí tục tằn, nôm na là phim Trấn Thành như rác, chả thèm liếc mắt xem. Họ cho rằng phim như thế chả đáng gọi là phim, phá hoại nghệ thuật thứ bảy.
Trấn Thành đã rất thành công khi tìm đúng mạch của người xem Việt và thoả mãn nhu cầu xem của họ. Tin tôi đi, cái tay nói nhiều như hắn, cái tay khóc nhiều như hắn, cái tay bị khối người chửi này mắng nọ, sẽ còn thành công nhiều nữa trong các phim sau này.
Còn các bậc đỉnh cao, hãy đừng hằn học với bọn trẻ làm gì. Hãy dùng trình độ của mình, hãy dùng kinh nghiệm của mình, hãy dùng tinh hoa của mình để làm ra những tác phẩm mang tính nghệ thuật hơn hắn, thu tiền nhiều hơn hắn. Vậy mới ngầu chứ nhỉ?