Theo tờ Financial Times (FT), Apple đang từng bước tách hệ thống vận hành điện thoại di động của mình khỏi các ứng dụng của Alphabet (Google), từ những tiện ích như bản đồ, tìm kiếm cho đến quảng cáo, qua đó thúc đẩy một ‘Cuộc chiến thầm lặng’ (Silent War) giữa các Big Tech.
Cuộc chiến thầm lặng
Nếu như Meta (Facebook), Twitter hay nhiều ông lớn ngành game khác từng phải cúi đầu trước Apple thì hiện nay mục tiêu mới của nhà táo khuyết có lẽ chỉ còn lại Google.
Hai ông lớn công nghệ tại Thung lũng Silicon (Big Tech) này đã trở thành đối thủ của nhau từ lâu kể từ khi Google phát triển hệ thống điều hành điện thoại Android vào thập niên 2000.
Chính nhà sáng lập Steve Jobs đã gọi hệ điều hành Android là thứ “sản phẩm ăn cắp”, sao chép iOS của Apple, đồng thời tuyên bố một “cuộc chiến tổng lực” với Google. Sau đó Steve Jobs đã hất cẳng CEO của Google lúc đó là Eric Schmidt khỏi ban điều hành của Apple vào năm 2009.
Mặc dù cuộc chiến giữa 2 ông lớn này không ồn ào như những gì Steve Jobs từng tuyên bố, nhưng 2 cựu kỹ sư của Apple trả lời tờ FT cho biết nhà iPhone đang thực hiện một trận đánh “thầm lặng”, cố gắng hất cẳng Google khỏi hệ sinh thái của mình.
Minh chứng rõ ràng nhất là nhà táo khuyết vẫn liên tục phát triển những tiện ích giúp người dùng có thể tách rời khỏi các ứng dụng của Google. Đầu tiên phải kể đến tiện ích bản đồ khi Apple cho ra mắt “Maps” vào năm 2012, qua đó thay thế được ứng dụng bản đồ trước đó của Google, vốn khiến người dùng phải tải từ chợ ứng dụng.
Đáng lẽ ra đây là thời điểm sáng giá của Apple để ăn mừng thì tiện ích này lại dính vô số lỗi. Ví dụ như nhiều cây cầu thay vì hiển thị lại bị biến mất hoặc chìm xuống dưới biển. Những sai lầm này đã khiến chính CEO Tim Cook phải lên tiếng xin lỗi vì những bất tiện mà tiện ích trên gây ra. May mắn thay, tiện ích này trong 10 năm qua đã có những cải tiến vượt bậc.
Vào đầu tháng này, Apple lại công bố tiện ích “Business Connect”, qua đó cho phép các công ty xác nhận địa điểm trực tuyến của mình để dễ tương tác với khách hàng hơn, đồng thời tải hình ảnh cùng những thông tin khuyến mãi, dịch vụ, sản phẩm lên tiện ích “Maps” của Apple.
Đây là một bước đi đối đầu trực tiếp với Google Maps khi ứng dụng này cũng có tiện ích tương tự nhờ hợp tác với nền tảng Yelp. Phía Google sẽ thu phí và trích phần trăm quảng cáo từ tiện ích này khi người dùng sử dụng.
Ngoài ra, Business Connect còn tăng cường sức mạnh của hệ sinh thái nhà táo khuyết khi bổ trợ thêm tính liền mạch cho các tiện ích khác như Apple Pay hay Business Chat (một ứng dụng nhắn tin cho thương mại điện tử của Apple).
“Apple đang ở vị thế có thể ngày càng tách rời được Google nhờ những chính sách bảo mật thông tin cá nhân người dùng”, CEO Cory Munchbach của BlueConic nhận định về sức mạnh tệp khách hàng của nhà táo khuyết.
Apple Search
Dấu hiệu rõ nhất về việc Apple đang muốn tách rời Google khỏi hệ sinh thái của mình là tiện ích tìm kiếm (Search). Tờ FT cho biết dù nhà táo khuyết chưa bao giờ đề cập đến sản phẩm này nhưng thông tin nội bộ cho thấy hãng vẫn đang âm thầm phát triển “Apple Search” nhằm thay thế Google Search.
Đội phát triển dự án “Apple Search” này được cho là thành lập vào năm 2013 khi nhà táo khuyết mua lại Topsy Labs, một startup từng hợp tác với Twitter trong việc phát triển ứng dụng tìm kiếm và phân tích dữ liệu.
Công nghệ mới đang được phát triển sẽ dựa trên những thông tin mà người dùng iPhone hỏi trợ lý ảo Siri, gõ chữ trên màn hình hoặc tìm kiếm trên máy tính Mac để tổng hợp thành số liệu chính xác nhất.
Năm 2019, dự án xây dựng tiện ích tìm kiếm của Apple tiếp tục được tăng cường khi tập đoàn này mua lại Laserlike, một startup chuyên phát triển trí thông minh nhân tạo (AI) và nhà sáng lập là một cựu kỹ sư của Google. Nhiệm vụ của AI này là thu thập và truyền tải những thông tin chất lượng cao từ mọi chủ đề trên web.
Giám đốc chiến lược Josh Koenig của Pantheon thậm chí đã nhận định rằng Apple có thể dễ dàng chia cắt thị phần mảng công cụ tìm kiếm, vốn đang bị Google chiếm tới 92% thị phần toàn cầu, bằng cách thay thế tiện ích “Apple Search” của mình trên 1,2 tỷ người dùng iPhone.
“Nếu Apple có thể xây dựng được một công cụ tìm kiếm đủ mạnh thì người dùng iPhone có lẽ sẽ sử dụng chúng hơn là tải Google Search từ chợ ứng dụng về”, ông Koenig nhận định.
Tất nhiên, cái gì cũng có cái giá của nó. Hiện mỗi năm Alphabet trả cho Apple 8-12 tỷ USD để Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên iOS. Thế nhưng số tiền này chẳng là gì nếu Apple chia sẻ được thị phần tìm kiếm béo bở.
Thêm nữa, việc Apple tự chủ được công cụ tìm kiếm sẽ giúp họ đỡ lộ thông tin khách hàng cho bên thứ 3 hơn, qua đó phù hợp chiến lực chuyển trọng tâm sang phát triển phần mềm hiện nay của nhà táo khuyết thay vì nhiều năm chú trọng bán sản phẩm phần cứng do thị trường đã dần bão hòa.
Nóng dần
Kể từ khi Apple thay đổi chính sách bảo mật thông tin cá nhân vào tháng 4/2021, hàng loạt những tập đoàn công nghệ kiếm tiền từ tệp khách hàng của nhà táo khuyết như Facebook hay Snap chịu ảnh hưởng. Giá cổ phiếu của 2 hãng trên đã giảm tương ứng 58% và 84% ngay sau động thái của Apple.
Đây là một tín hiệu cảnh báo đến Google khi hãng có thể trở thành mục tiêu tiếp theo.
“Google hiện vẫn là công cụ tìm kiếm mạnh nhất thế giới nhưng Apple mới là bên nắm giữ được những thông tin cá nhân và thói quen của khách hàng”, CEO Anshu Sharma của Skyflow nhấn mạnh.
Xin được nhắc là hơn 80% doanh thu của Alphabet dựa vào quảng cáo trực tuyến, vốn phải dựa vào các thiết bị điện tử như hệ sinh thái iPhone của Apple, đồng thời cũng cần các thông tin cá nhân và thói quen tiêu dùng của người sử dụng.
CEO Tim Cook của Apple
Vào mùa hè năm 2022, Apple đã đăng tuyển vị trí tìm kiếm chuyên gia nhằm thiết kế một nền tảng có tính chất tương tự như một DSP (Demand Side Platform), vốn là một nền tảng giúp các nhà quảng cáo (Agency/Nhãn hàng) có thể mua quảng cáo 1 cách tự động thông qua hình thức đấu giá “Real Time Bidding” (RTB).
Bước đi này của Apple được cho là nhằm định hình lại thị trường quảng cáo trực tuyến, xây dựng một mạng lưới quảng cáo mới có thể ngăn chặn bên thứ 3 tiếp cận sử dụng thông tin người dùng của hệ sinh thái iPhone.
Tháng 9/2022, vị trí này đã được đảm nhận bởi Keith Wisburg với tư cách là giám đốc sản phẩm nền tảng quảng cáo Ad Platform. Ông Wisburg cũng từng dành nhiều năm làm việc với Google và Youtube, đồng thời là cựu quản lý mảng DSP cho Amazon.
Theo chuyên gia phân tích Andrew Lipsman của Insider Intelligence, hàng loạt những động thái của Apple khiến vị thế của Alphabet trong hệ điều hành iOS trở nên lung lay hơn bao giờ hết.
“Apple đang ngày càng tập trung phát triển công cụ tìm kiếm trong chiến lược phát triển quảng cáo trực tuyến của mình. Đây là chìa khóa để tiếp cận tệp khách hàng đầu tiên và chắc chắn sẽ trở thành chiến trường nóng bỏng mới cho quảng cáo trực tuyến trong tương lai”, ông Lipsman khẳng định.
*Nguồn: FT
Xem thêm: nhc.55771124172103202-kooc-mit-auc-gnal-maht-neihc-couc-elgoog-sv-elppa/nv.fefac