Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 12/2022 là hơn 944.000 tấn, tương đương 823 triệu USD. Mức này tăng trên 22% về lượng và gần 11% về trị giá so với tháng 11.
Luỹ kế năm 2022, Việt Nam đã chi gần 9 tỷ USD để nhập xấp xỉ 8,9 triệu tấn xăng dầu các loại, tăng gần 28% về lượng và 118,5% (tương đương gần 4,9 tỷ USD) so với năm 2021.
Dầu diesel là nhiên liệu có sản lượng nhập về nhiều nhất, khoảng 4,74 triệu tấn, chiếm 54% lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của cả nước. Xăng được các doanh nghiệp nhập khoảng 1,7 triệu tấn trong năm ngoái, tăng 2,3 lần so với 2021. Còn nhiên liệu bay nhập khẩu 1,46 triệu tấn, tăng 2,2 lần và chiếm 16% lượng xăng dầu nhập khẩu.
Hàn Quốc vẫn là quốc gia cung ứng xăng dầu nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam, với 3,22 triệu tấn, tăng hơn 96%. Tiếp theo là Singapore, Malaysia với sản lượng lần lượt gần 1,5 triệu tấn và 1,42 triệu tấn.
Đà tăng nhập khẩu xăng dầu vẫn tiếp tục trong nửa đầu tháng 1 năm nay, với 0,54 tỷ USD chi cho nhập các loại nhiên liệu. Mức này tăng 223 triệu USD, tương ứng hơn 70% so với cùng kỳ 2022.
2022 là năm biến động của thị trường xăng dầu trong nước. Nhiều lý do được Bộ Công Thương đưa ra giải thích cho việc thị trường nhiên liệu trong nước thiếu hàng cục bộ trong quý II và III, trong đó có nguyên nhân doanh nghiệp phải nhập hàng lúc giá cao, bán ra giá thấp và chi phí kinh doanh chưa kịp điều chỉnh khiến họ bị lỗ. Việc này dẫn tới tình trạng đầu mối xăng dầu cắt giảm chiết khấu (mức trích lại dành cho thương nhân phân phối, bán lẻ) và giảm lượng hàng bán ra.
Dự báo nhu cầu xăng dầu tăng cao phục vụ sản xuất kinh doanh, phục hồi sau dịch, nên năm nay Bộ Công Thương giao các doanh nghiệp đầu mối mua và nhập 25,9-26,7 triệu m3, tấn xăng dầu, tức tăng 10-15% so với năm 2022. Bộ này cho biết sẽ kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm phương án nhập khẩu bổ sung đã phân giao, bảo đảm duy trì nguồn cung liên tục cho thị trường trong nước và không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung.
Tuy nhiên, những ngày qua ở một số địa phương lại tái diễn tình trạng cây xăng đóng cửa hoặc thông báo "tạm hết hàng" vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn bị sự cố kỹ thuật từ cuối tháng 12/2022 khiến giảm nguồn cung trong nước khoảng 120.000-200.000 m3, tấn trong tháng 1 so với kế hoạch. Sự cố đã được khắc phục, nhà máy vận hành bình thường từ ngày 15/1 và hiện chạy tăng công suất để bù đắp lượng thiếu hụt này.
Ngoài bị ảnh hưởng bởi sự cố trên, nhiều đơn vị bán lẻ xăng dầu cho biết, việc không điều chỉnh giá xăng vào 30 Tết mà chuyển chu kỳ điều hành giá sang ngày 1/2 trong khi giá dầu thế giới đang biến động tăng mạnh khiến mức chiết khấu (hoa hồng) rất thấp, thậm chí 0 đồng khiến họ thua lỗ trong kinh doanh.
Anh Minh