Từ trước, Fed đã phải theo dõi sát sao giá cả hàng hóa leo thang. Giờ Fed lại phải vật lộn với biến chủng Delta của COVID-19.
Biến chủng Delta đang lây lan nhanh trên khắp toàn cầu, gây ra tình trạng thiếu nhân công tại Anh và gia tăng căng thẳng đối với ngành du lịch trên toàn thế giới. Giờ đây, chủng Delta chiếm 83% số ca mắc COVID-19 mới tại Mỹ.
Tuần trước, nhà đầu tư chứng khoán Mỹ đã trải qua một phen thót tim khi thị trường lao dốc mạnh trong phiên 19/7 trước lo ngại về thiệt hại tiềm tàng của chủng Delta. Trước đó, nhà đầu tư đã lo ngại lạm phát có thể buộc Fed rút lại hỗ trợ cho nền kinh tế nhanh hơn dự kiến.
Vào ngày 28/7(theo giờ Mỹ), thị trường sẽ biết liệu nỗi lo về chủng Delta đã len lỏi vào tâm trí các nhà hoạch định chính sách trong Ủy ban Thị trường mở (FOMC) của Fed hay chưa. Sau khi Fed công bố bản cập nhật chính sách tiền tệ, Chủ tịch Jerome Powell sẽ tổ chức họp báo.
Dự kiến ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không đưa ra bất kỳ thay đổi chính sách nào. Thay vào đó, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các đánh giá về cuộc phục hồi kinh tế và suy nghĩ của Fed về tương lai của các chương trình kích thích.
Một trong những thông tin cực kỳ quan trọng là các nhà hoạch định chính sách nghĩ gì về lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đi lên 0,9% trong tháng 6, mức tăng một tháng mạnh nhất kể từ tháng 6/2008. Trong vòng 12 tháng qua, giá cả đi lên 5,4%, mức nhảy lớn nhất của lạm phát hàng năm trong gần 13 năm.
Chủ tịch Powell thường xuyên lặp lại kỳ vọng rằng lạm phát sẽ dịu đi. Nhưng áp lực đối với Fed đang gia tăng. Một số nhà kinh tế học lập luận rằng Fed nên giảm tốc chương trình mua trái phiếu ngay trong năm nay, chuẩn bị cho đợt tăng lãi suất sẽ giúp kiểm soát giá cả.
Biến chủng Delta khiến việc ra quyết định của Fed càng khó khăn.
Một mặt, làn sóng COVID-19 mới có thể ngăn cản các chuỗi cung ứng phục hồi về trạng thái bình thường, giữ nguyên sức ép lên giá. Mặt khác, chủng Delta có thể làm tổn hại cuộc phục hồi kinh tế, dẫn đến nhu cầu suy giảm và làm giảm áp lực giá.
Tại Anh, quốc gia ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh vì Delta, đã có một số dấu hiệu về chủng COVID-19 gây sức ép lên giá cả hàng hóa. Tuần trước, siêu thị tại một số khu vực bị vét sạch một vài mặt hàng. Một số trạm xăng đã cạn kiệt sau khi hàng trăm nghìn nhân công buộc phải cách ly vì COVID-19.
Ông Dan North, nhà kinh tế cấp cao tại hãng bảo hiểm Euler Hermes nhận xét: "Biến chủng Delta có thể khiến một số nền kinh tế phát triển và Trung Quốc đóng cửa lần nữa. Kịch bản này có thể làm chuỗi cung ứng thêm tổn thương, tạo ra thêm vật cản đối với tăng trưởng kinh tế".
Nói tóm lại, biến chủng Delta tạo ra thêm sự không chắc chắn.
Một số nhà kinh tế tin rằng chủng Delta sẽ chỉ ảnh hưởng một vài ngành công nghiệp do ít có khả năng Mỹ sẽ tái thiết lập các hạn chế đi lại trên diện rộng. Số khác sợ rằng chủng Delta có thể trì hoãn quá trình học sinh trở lại trường học và do đó làm trật bánh sự phục hồi của thị trường lao động.
Bài kiểm tra của nền kinh tế
Vào tuần tới, nhà đầu tư Mỹ cũng sẽ được biết tình trạng của nền kinh tế trong quý II.
GDP quý II của nền kinh tế số một thế giới sẽ được công bố vào ngày 29/7. Theo CNN, các nhà kinh tế được khảo sát bởi Refinitiv dự đoán rằng GDP tăng trưởng 8%, cao hơn mức 6,4% trong quý I (điều chỉnh theo cơ sở hàng năm).
Nhưng một số dấu hiệu cho thấy cuộc phục hồi kinh tế có thể không mạnh mẽ như hy vọng.
Tuần trước, IHS Markit hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2021 từ 6% xuống 5,8%. Cùng lúc, IHS cắt giảm mạnh dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2021 từ 7,4% xuống 6,6%, chủ yếu vì tiêu dùng và chi tiêu doanh nghiệp yếu đi trong tháng 5.
IHS viết: "Cuộc phục hồi vẫn có cơ sở vững chắc nhờ việc gần như hủy bỏ hoàn toàn các biện pháp khống chế dịch, hỗ trợ từ chính sách tài khóa và tiền tệ, và bổ sung thêm các hàng hóa bị cạn kiệt".
IHS cho rằng lạm phát sẽ thúc đẩy Fed giảm tốc chương trình thu mua tài sản tài chính trong năm nay và tăng lãi suất quỹ liên bang vào năm 2023.
Xem thêm: mth.54840228062701202-uad-uad-meht-gnac-def-neihk-atled-gnuhc-neib/nv.zibmanteiv