Theo tờ Business Insider, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27-1 dường như chỉ trích Mỹ và Đức về các quyết định cung cấp xe tăng chiến đấu cho Kiev vào thời điểm Nga được cho là sẽ tiến hành một cuộc tấn công lớn khác.
Ông Trump cho rằng việc cung cấp xe tăng cho Ukraine sẽ dẫn đến nguy cơ vũ khí hạt nhân được triển khai và sử dụng ở chiến trường này. Trong khi đó ông nhận định cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể sẽ kết thúc "dễ dàng”, song không đưa ra bất kỳ gợi ý nào về cách thực hiện điều này.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Gaelen Morse/REUTERS |
"Đầu tiên là xe tăng, sau đó là vũ khí hạt nhân. Hãy kết thúc cuộc chiến điên cuồng này ngay bây giờ. Điều đó quá dễ dàng” - cựu Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Truth Social của ông.
Ông Trump đưa ra bình luận trên sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 25-1 thông báo Washington sẽ gửi 31 xe tăng M1 Abrams cho Ukraine nhằm giúp nước này chống lại Nga.
Trong quá khứ, ông Trump từng khẳng định xung đột Nga-Ukraine sẽ không thể diễn ra nếu như ông còn làm tổng thống Mỹ, theo đài RT.
Tổng thống thứ 45 của Mỹ cũng thường chỉ trích viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Trong thời gian còn ở Nhà Trắng, ông Trump đã đóng băng viện trợ quân sự, vốn đã được quốc hội Mỹ phê duyệt cho Ukraine trong bối cảnh nước này khi đó đang chiến đấu chống lại lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở vùng Donbass. Chính vì vậy mà cựu Đại sứ Pháp tại Mỹ Gérard Araud nói với tờ Business Insider rằng "người Nga luôn mong ông Trump quay lại [Nhà Trắng] vì về mặt quân sự, sự ủng hộ của người Mỹ thực sự áp đảo so với sự ủng hộ của người châu Âu".
Bên cạnh đó, cựu Tổng thống Trump đề cập tới vũ khí hạt nhân giữa bối cảnh mối đe dọa về một cuộc chiến tranh hạt nhân ở Ukraine gia tăng. Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 9 năm ngoái đã khẳng định Điện Kremlin sẽ “không nghi ngờ gì nữa mà sử dụng mọi phương tiện sẵn có để bảo vệ nước Nga và người dân nước này” nếu lãnh thổ Nga bị đe dọa.
Các nước phương Tây cáo buộc ông Putin đưa ra lời đe dọa hạt nhân. Các chuyên gia hạt nhân đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các mối đe dọa trên, trong khi các nhà sử học cảnh báo rằng lời nói và hành động của nhà lãnh đạo Nga đã gây ra những nguy cơ hạt nhân thậm chí còn lớn hơn cả trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào giai đoạn Chiến tranh Lạnh lên đỉnh điểm.
Tuy nhiên nhiều nhà phân tích quân sự hàng đầu và các chuyên gia về Nga lại nói rằng các mối đe dọa hạt nhân của Putin phần lớn được thiết kế nhằm ngăn chặn phương Tây tiếp tục cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ an ninh quan trọng.
Mỹ có kế hoạch gửi 31 xe tăng M1 Abrams cho Ukraine. Ảnh: Kacper Pempel/REUTERS |
Cho đến nay, Mỹ và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã viện trợ hàng tỉ USD cho Kiev, bao gồm những vũ khí quan trọng, đóng vai trò then chốt trên chiến trường và giúp Ukraine tiêu diệt lực lượng Nga. Mới đây, hàng loạt nước phương Tây thông báo sẽ gửi xe tăng chiến đấu cho Ukraine, nhất là sau khi Đức cam kết gửi lô hàng đầu tiên gồm 14 xe tăng Leopard 2 tới Ukraine và “bật đèn xanh” cho các đồng minh khác gửi xe tăng cho Kiev.
Moscow nhấn mạnh rằng các lô vũ khí của phương Tây đến Ukraine sẽ không làm thay đổi tiến trình của cuộc xung đột và sẽ chỉ dẫn đến nhiều thương vong hơn. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo những chiếc xe tăng của phương Tây viện trợ cho Ukraine cũng sẽ bốc cháy giống như tất cả các loại xe bọc thép khác.
Còn ông Maksim Buyakevich - Phó đặc phái viên của Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tuyên bố bằng việc quyết định cung cấp xe tăng chiến đấu hạng nặng cho Ukraine, Mỹ và các thành viên NATO khác đang “cố tình leo thang căng thẳng quân sự” với Moscow và "là con đường dẫn đến một cuộc xung đột toàn diện ở châu Âu".