Mèo rừng Đại Lải
Ngày 18.4.2008, một con mèo rừng mới 3 tuần tuổi, nặng chỉ 290 gram được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc và CPCP cứu hộ, đưa về khu cứu hộ trong khuôn viên rừng quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) chăm sóc.
Đại Lải trưởng thành sau 15 năm được cứu hộ, chăm sóc nhưng không thể trở về tự nhiên |
Minh Hải |
Đây là con mèo rừng đầu tiên CPCP thực hiện cứu hộ, đặt tên là Đại Lải. Vì là con mèo đầu tiên thực hiện cứu hộ, nên những nhân viên của CPCP mong muốn cứu sống Đại Lải như một sự khởi đầu tốt đẹp. Nhưng trở ngại lớn nhất là con mèo còn quá nhỏ, sức khỏe không được tốt khiến các nhân viên y tế phải mất nhiều công sức.
Thời gian đầu, Đại Lải được nuôi bằng sữa, được kiểm tra sức khỏe thường xuyên. May mắn, con mèo đã nhanh chóng hồi phục và lớn lên bình thường. Sau khi trải qua các khâu chăm sóc, huấn luyện, các dấu hiệu Đại Lải thể hiện cho thấy con mèo không có bản năng của một mèo rừng thực thụ, nên không thể thả về tự nhiên.
Năm con mèo, chi tiền triệu mua mèo Tây làm thú cưng |
Trở thành đại sứ giáo dục
Đến nay, đã 15 năm trôi qua, Đại Lải đành chấp nhận số phận sống trong khu vực bán tự nhiên rộng chừng 30 m2, và đã trở thành đại sứ giáo dục giữa đại ngàn Cúc Phương. Nhiều năm qua, Đại Lải có vai trò tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho người dân, du khách và đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu về mèo rừng, hiểu về động vật hoang dã để nâng cao nhận thức bảo vệ động vật hoang dã.
Nhân viên và tình nguyện viên đưa thức ăn vào cho Đại Lải |
Minh hải |
Trong bảng thông tin giới thiệu về Đại Lải của CPCP đặt trước cửa chuồng nuôi, ghi rằng: “Sau một thời gian dài sinh sống, mặc dù sức khỏe của Đại Lải đã tốt và tỏ ra rất tinh nghịch, thích khám phá mọi thứ xung quanh, nhưng bạn ấy đã không thể trở về ngôi nhà tự nhiên do không thể hòa nhập vì bị nuôi từ khi còn rất nhỏ”.
Mục đích của cứu hộ mèo rừng là thả về tự nhiên, về với ngôi nhà, với môi trường của chúng, nhưng Đại Lải đã không thể quay về nơi vốn là của nó chỉ vì thú thích nhất thời của con người.
Và dù không thể trở về với rừng xanh, nhưng Đại Lải lại đang trở thành đại sứ giáo dục, với mong muốn không còn thêm con mèo rừng nào phải chịu số phận như Đại Lải.
Ông Hoàng Văn Thái, cán bộ điều phối và quản lý CPCP cho biết dù Đại Lải không thể trở về tự nhiên nhưng có ý nghĩa rất lớn khi trở thành đại sứ giáo dục |
Minh Hải |
Ông Hoàng Văn Thái, cán bộ điều phối và quản lý CPCP, cho biết Đại Lải là trường hợp rất đặc biệt nhất trong số hơn 70 cá thể mèo rừng mà CPCP cứu hộ từ năm 2008 đến nay.
“Đại Lải là mèo rừng đầu tiên mà CPCP cứu hộ. Điều không mong muốn là Đại Lải không thể trở về tự nhiên được nữa, nhưng nó có ý nghĩa rất lớn, là trở thành đại sứ giáo dục. Chúng tôi đang chăm sóc Đại Lải trong khu chuồng bán hoang dã. Ngoài cửa chuồng là hình ảnh và thông tin về quá trình cứu hộ, chăm sóc, và trưởng thành, để du khách, người dân và đặc biệt thế hệ trẻ hiểu về loài mèo rừng. Chúng tôi mong muốn rằng khi xem hành trình sống sót của Đại Lải, mọi người sẽ hiểu hơn về mèo rừng, về động vật hoang dã để cùng nhau bảo vệ chúng", ông Thái cho hay.
Được biết, từ năm 2008 đến nay, CPCP đã thực hiện cứu hộ hơn 70 cá thể mèo rừng, trong đó, đã cứu hộ thành công và thả về tự nhiên hơn 50 cá thể.