Mà đâu chỉ gia đình ông, ở xóm này hầu hết bà con giờ ai cũng như “sống trong mơ” khi đều có được nhà tường, nhà lầu, biệt thự…
Người dân ở “đồng chó ngáp” làm giàu nhờ mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm |
Trần Thanh Phong |
Một thời nghèo khó
Ông Nguyễn Văn Thiệt kể sau ngày đất nước thống nhất (30.4.1975), “đồng chó ngáp” còn là cánh đồng hoang sơ thuộc hai huyện Hồng Dân và Phước Long. Đây là vùng đất lung trũng, phèn mặn, mùa mưa cỏ năn, cỏ lác, lau sậy... mọc um tùm, mùa nắng thì khô cằn đến nỗi “chó chạy qua đồng còn phải ngáp ngắn ngáp dài” nên không thể trồng lúa. Hàng ngàn héc ta đất ở đây chủ yếu bỏ hoang, một phần được dùng để cầm trâu trong những tháng nông nhàn, trong khi cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân vô cùng khó khăn, vất vả.
Ông Mai Thanh Phong, ở ấp Nhà Lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A, H.Hồng Dân xây dựng căn biệt thự khang trang trị giá hơn 3 tỉ đồng |
Do không có đất sản xuất, năm 1978, gia đình ông Thiệt vào đây khai phá, đốn cây cặm “xí phần” được hơn 70 công đất, rồi chọn ra vài công đất gò cao để cải tạo trồng lúa mùa. Nhưng do đất nhiễm phèn mặn nên mỗi công chỉ được vài giạ lúa. Có đất nhưng không thể sản xuất được, người dân ở “đồng chó ngáp” phải bỏ đi làm mướn tứ xứ, nhiều thanh niên xuống tận vùng Đất mũi Cà Mau đào đất thuê cho các chủ vuông tôm. Phụ nữ, người già quanh năm làm nghề chầm lá dừa nước, đan mê bồ, đan thúng... đắp đổi qua ngày. Những xóm nhà chòi nhếch nhác chen giữa “đồng không mông quạnh”: không điện, không đường, không trường, không trạm (y tế)…
Theo ông Thiệt “đồng chó ngáp” năm xưa chỉ thích hợp để… cầm trâu. Thời đó, nơi đây có nhiều người giữ trâu mướn nổi tiếng khắp vùng như: Hai Dệ, Tám Thạnh, Tám Chì, Chín Thôi... mỗi người nhận giữ mướn từ vài chục đến hàng trăm cặp trâu. Đến mùa, hàng ngàn con trâu từ khắp nơi được lùa về “hội ngộ” trên cánh đồng đầy cỏ năn này.
Ông Thái Văn Thạnh (Tám Thạnh, 80 tuổi, ở ấp Chòm Cau, xã Ninh Thạnh Lợi A, H.Hồng Dân) kể trước đây do nhà nghèo, không đất sản xuất, để có gạo, có lúa ăn, mỗi năm ông nhận giữ mướn 50 - 60 con trâu, ăn ngủ trên đồng suốt 3 tháng lụt (từ tháng 8 - 11 hằng năm). Ông Thạnh có 7 người con (6 gái, 1 trai) nheo nhóc, lam lũ, không ai được học hành. Cứ đến mùa cầm trâu, ông lại “lùa” các con đi trông giữ. Sáng sớm khi mặt trời đằng đông vừa ửng đỏ thì các con ông Thạnh thả đàn trâu ra đồng, đói quá thì nhổ năn non ăn dằn bụng, đến chiều muộn thì lùa về hầm trâu sau nhà trông giữ qua đêm.
Thương lái thu mua lúa ở xã Ninh Thạnh Lợi A, H.Hồng Dân |
Mỗi cặp trâu ông nhận giữ đến mùa được chủ trả công 1 giạ lúa hoặc 1 táo gạo. Sau 21 năm giữ trâu mướn (từ năm 1978 - 1999), ông Thạnh và các con mới… bỏ nghề. Cánh đồng hoang hóa, lung bào xưa kia không còn ai mang trâu đến cầm nữa.
Ấp nhà lầu
Những tưởng cuộc sống rơi vào bế tắc, nhưng giờ đây người dân xứ này không những thoát nghèo mà còn phất lên từ chính “đồng chó ngáp”. Gia đình ông Tám Thạnh cũng vậy, nguồn thu từ 1 ha đất mang đến cho gia đình ông sự ấm no và sung túc.
“Ấy là vào năm 2001, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại một dấu ấn sâu đậm khi quyết định cho tỉnh Bạc Liêu chuyển đổi phần đất hoang hóa, đất trồng lúa kém hiệu quả ở vùng Bắc quốc lộ 1 sang nuôi tôm. Từ quyết định đúng đắn, táo bạo này, người dân “đồng chó ngáp” đã phất lên, ai cũng thoát nghèo, giàu có”, ông Nguyễn Văn Thiệt chia sẻ.
Sau khi có chủ trương chuyển đổi phần đất hoang hóa, đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, tỉnh Bạc Liêu tiến hành xẻ dọc, xẻ ngang nhiều tuyến kênh thủy lợi trên “đồng chó ngáp”. Ông Thiệt cùng người dân mướn xáng cạp vào cơi nới bờ bao, phát hoang cỏ dại, thau chua xổ phèn rồi mua tôm sú giống thả nuôi. Ông cũng không ngờ vùng đất hoang hóa, lung bào ngày nào nay chuyển sang nuôi tôm sú thiên nhiên thì trúng lớn. Tôm nuôi không cần cho ăn, không tốn công chăm sóc mà “lớn nhanh như thổi”. Vụ mùa nào gia đình ông cũng có nguồn thu hàng trăm triệu đồng từ nuôi tôm.
Không những trúng tôm, những năm gần đây, gia đình ông Thiệt còn “thắng lớn” khi áp dụng mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm. Ông Thiệt kể thu hoạch xong 2 vụ tôm sú, trời đã vào mùa mưa, nước ruộng ngọt dần. Khi đó, ông bắt đầu cải tạo 70 công đất nuôi tôm để sạ vụ lúa thơm ST24, chỉ sạ 15 kg lúa giống/công, lúa chỉ bón lượng ít phân hữu cơ nhưng đạt năng suất gần 1 tấn/công, bán cho thương lái với giá lên đến 8.100 đồng/kg. Dưới chân lúa ông Thiệt còn thả nuôi tôm càng xanh, cua biển, cá đồng... thu được bộn tiền.
“Đồng chó ngáp” giờ đây như một trang huyền thoại mới với những kỳ tích không ngờ. Hàng ngàn hộ dân nghèo đói năm xưa đã trở thành triệu phú, tỉ phú nhờ áp dụng mô hình “con tôm ôm cây lúa”. Trong đó, riêng 2 ấp Nhà Lầu 1, Nhà Lầu 2 (xã Ninh Thạnh Lợi A) đã có hơn 1.100 hộ xây dựng được nhà tường, nhà lầu, biệt thự…, nhiều ngôi nhà trị giá hàng tỉ đồng.
Ông Phan Thanh Sung, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A, chia sẻ nếu như trước năm 2001, toàn xã có đến 27% hộ nghèo, hộ khá, giàu chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì giờ đây có đến 70% hộ khá, giàu. Người dân nơi “khỉ ho cò gáy” này lại lập nên một kỳ tích mới, nhờ chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới. Và Ninh Thạnh Lợi A được mệnh danh là xã giàu nhất trong các xã nông thôn mới của tỉnh Bạc Liêu.