Trong cơ cấu doanh thu, các mảng hoạt động đóng góp dưới 10 tỷ đồng mỗi mảng, đơn cử như môi giới 2,2 tỷ đồng, lãi từ cho vay gần 6 tỷ đồng… đóng góp chính là mảng tự doanh hơn 71 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở phần chi phí hoạt động tăng vọt hơn 265 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ hơn 4 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ từ các tài sản tài chính (FVTPL - lỗ tự doanh) hơn 263 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không ghi nhận lỗ. Điều này khiến APS lỗ trước thuế 190 tỷ đồng, lỗ sau thuế 151,6 tỷ đồng, giảm mạnh so với số lãi 528 tỷ đồng trong quý 4/2021.
Luỹ kế cả năm, APS đạt doanh thu 353 tỷ đồng, giảm 47%, mảng tự doanh vẫn đóng góp chính gần 292 tỷ đồng. Nhưng, do ghi nhận lỗ tự doanh 954 tỷ đồng đã kéo lùi lợi nhuận cả năm APS âm 448 tỷ đồng (năm 2021 lãi 563 tỷ đồng). Đây là số lỗ kỷ lục của APS.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản công ty 976 tỷ đồng, giảm 40% so với đầu kỳ, trong đó tiền và tương đương tiền 160 tỷ đồng, dư nợ cho vay hơn 179 tỷ đồng (dư nợ margin là 166 tỷ đồng).
Báo cáo tài chính APS cho thấy, giá gốc danh mục tự doanh 739 tỷ đồng, giá trị hợp lý là 564 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục là các các cổ phiếu trong hệ sinh thái APEC như API và IDJ, ghi nhận lỗ lần lượt 50% và 25%. Ngoài ra còn có cổ phiếu CEO với giá trị mua hơn 104 tỷ đồng và ghi nhận giảm hơn 18 tỷ đồng.
Có hai khoản đầu tư phát sinh trong năm 2022 là HPG và BCG đều được rót hơn 25 tỷ đồng và đang ghi nhận âm.
Trong cơ cấu nguồn vốn, do ghi nhận thua lỗ lớn, vốn chủ sở hữu công ty về mức 963 tỷ đồng, giảm đến 450 tỷ đồng.