Nâng tầm nông sản Việt
Tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp cuối năm 2022 tổ chức trong khuôn viên Sở NN-PTNT TP.HCM, gian hàng cà phê trái cây nhãn hiệu Meet More thu hút nhiều khách đến uống thử cà phê các vị dừa, khoai môn, trái nhàu, xoài… Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc điều hành Meet More (47 tuổi, người Việt Nam ở Úc), nói rằng ròng rã 2 năm qua, với cách bán hàng tại quầy (sampling) đã giúp thương hiệu thâm nhập 12 thị trường, trong đó có các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Úc…
Ông Nguyễn Ngọc Luận (trái), Giám đốc điều hành Meet More, giới thiệu sản phẩm cà phê trái cây với lãnh đạo TP.HCM |
SỸ ĐÔNG |
Đang thành công ở lĩnh vực nhôm kính, ông Luận gây bất ngờ khi chuyển sang kinh doanh trà sữa và cà phê trái cây với mục tiêu nâng cao giá trị nông sản Việt qua loại thức uống hằng ngày. Lớn lên và học hành ở Việt Nam nhưng chàng trai quê Đắk Lắk sau đó cùng gia đình định cư ở Úc; năm 2016 về Việt Nam tìm hiểu thị trường, đầu tư nhà xưởng rộng 3.000 m2 ở xã Nhị Bình (H.Hóc Môn, TP.HCM), ông Luận trình làng thương hiệu Meet More 2 năm sau đó.
Những ngày đầu, ông Luận cùng cộng sự đi xuống các nông trường tìm hiểu nông sản phù hợp với sản phẩm dự định phát triển, như dừa và khoai môn tìm ở Củ Chi, cà phê thì lên Đắk Lắk, còn trái nhàu, đậu xanh, xoài đa phần ở Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ (TP.HCM). Nhiều thương hiệu khi khởi nghiệp chọn thị trường tỉ dân là Trung Quốc để tiếp cận, nhãn hiệu Meet More lại chọn Hàn Quốc làm nơi đặt chân.
“Mình thâm nhập thị trường Hàn Quốc vì quốc gia này có nét tương đồng về văn hóa, người dân có tư duy về sản phẩm chất lượng cao và tốt cho sức khỏe”, ông Luận nói và cho biết những ngày đầu ông trực tiếp đi vào tận chợ, siêu thị cả tháng trời để tiếp thị.
Không chỉ phát triển thị trường đến các nước tiên tiến, điều mà CEO Meet More Nguyễn Ngọc Luận hướng đến là tìm cách đưa nhà phân phối nước ngoài về Việt Nam tiếp cận, tìm hiểu nông sản chất lượng cao rồi chế biến sâu, xuất khẩu ra thế giới. “Thay vì sợ mất khách hàng, mất mối làm ăn, thì mình muốn cùng các doanh nghiệp (DN) Việt làm thương hiệu tốt, cùng nhau ra thị trường quốc tế để vững vàng hơn”, ông Luận chia sẻ và cho rằng nếu trên quầy kệ siêu thị có nhiều sản phẩm của Việt Nam thì hình ảnh, thương hiệu quốc gia sẽ tốt hơn.
Điều ông Luận trăn trở ở thị trường trong nước chính là tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam vẫn sính ngoại, chưa chấp nhận sản phẩm chất lượng cao sản xuất trong nước có giá thành tương đương thương hiệu nước ngoài. Về chính sách, sản phẩm chất lượng cao trong những năm vừa qua chưa được ưu đãi, bị đánh đồng với các sản phẩm chất lượng bình thường khác. Chưa kể, thủ tục hành chính còn rườm rà.
Ông Steve Bùi (giữa) vận động xây cầu Pắc Ràng, xã Thạch Lâm, H.Bảo Lâm, Cao Bằng |
CTV |
Góp phần tạo vị thế cho Việt Nam
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khoảng 5,3 triệu người, nhiều người về nước đầu tư hoặc kết nối, tư vấn đầu tư... Như ông Steve Bùi (người Việt Nam ở Nhật Bản), Chủ tịch Tập đoàn Delta E&C, về nước từ năm 1999 tìm hiểu nhưng đến năm 2008 mới có một số hoạt động ở TP.HCM như dự án 6B khu Nam Sài Gòn. Với công việc chính là tư vấn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), ông Steve Bùi nói rằng bản thân tự hào khi đã kêu gọi được nhiều nhà đầu tư lớn như LG, E-Land (Hàn Quốc) hay Uniqlo, Daiso (Nhật Bản). “Với tiến trình phát triển của Việt Nam thì cần thu hút ĐTNN để tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn nữa cho người dân”, ông Steve Bùi nói.
Mặt khác, các nhà ĐTNN cũng trực tiếp tạo ra vị thế cho Việt Nam trong quy trình xuất khẩu, DN trong nước học hỏi được nhiều để nâng cấp quy trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và cuối cùng là cạnh tranh với các DN ĐTNN để đưa sản phẩm ra thế giới. Đơn cử như Uniqlo vào Việt Nam phải sử dụng tối thiểu 40% nguyên liệu nội địa, thì có 40 nhà sản xuất trong nước tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm cho Uniqlo.
Nói về tư vấn ĐTNN, ông Steve Bùi nhấn mạnh yêu cầu tiên quyết là phải cung cấp thông tin chính xác về các chính sách, thậm chí các rủi ro để đối tác cân nhắc. Ông Steve Bùi ví von những người tư vấn ĐTNN là “đại sứ nhân dân”, là người mà đối tác gặp đầu tiên. “Nếu mình là người làm việc tốt, chuyên nghiệp thì họ sẽ luôn yêu quý đất nước mình; còn nếu thấy có vấn đề gì đó chưa ổn thì họ sẽ đánh giá là không tốt”, ông nói.
TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho gần 3.000 DN có vốn của kiều bào với tổng vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đồng. Mỗi năm có khoảng 30.000 người Việt trẻ ở nước ngoài về thăm quê, tìm kiếm cơ hội kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp tại TP.HCM. Năm 2022, kiều hối gửi về TP.HCM đạt 6,8 tỉ USD.
Kể về hoạt động đáng chú ý, ông Steve Bùi cho biết chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc vào tháng 12.2022 tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 80 đoàn DN Hàn Quốc, đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp với phía đối tác Hàn Quốc. “Chúng tôi kết nghĩa anh em tại chỗ với tinh thần anh em là một nhà, bằng tình yêu và sự chân thành của 2 dân tộc”, ông nói và cho biết sự lan tỏa của chuỗi sự kiện bước đầu đem quả ngọt khi có hàng chục DN liên hệ tìm hiểu chính sách đầu tư tại Việt Nam.
Ông Steve Bùi cùng các cộng sự còn dành tình cảm và sự quan tâm, hỗ trợ vật chất đặc biệt đối với người dân khu vực biên giới, nhất là trẻ em, thông qua việc xây cầu, xây trường học, lắp hệ thống điện mặt trời. Bên cạnh xây trường, Quỹ Steve và những người bạn còn hỗ trợ học bổng cho các em trong 5 năm tiếp theo. Thấy được cách làm minh bạch, nhân văn của nhóm, nhiều tổ chức phi chính phủ muốn được chung tay tham gia thiện nguyện.
Quê hương trên hết
Ông Nguyễn Ngọc Luận và Steve Bùi chỉ là 2 trong số hàng triệu người con nước Việt đang đóng góp vào sự phát triển lớn mạnh của đất nước. Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết trong những năm qua, có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn; gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường đại học, bệnh viện, khu công nghệ cao... “Nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học ở khắp nơi trên thế giới dù tuổi cao vẫn miệt mài đóng góp cho công cuộc phát triển, hợp tác quốc tế về khoa học của đất nước, đào tạo nhiều cán bộ khoa học cho quê hương”, ông Hải nói.
Ông Hải đánh giá cộng đồng người Việt ở nước ngoài là “chất xúc tác” quan trọng đối với những thành công của hoạt động ngoại giao nhân dân. Qua các hoạt động giao lưu văn hóa, đồng bào ta ở nước ngoài đã và đang góp phần giữ gìn bản sắc và quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Lãnh đạo Thành ủy TP.HCM đánh giá những đóng góp đáng trân trọng và đầy tự hào của bà con kiều bào đối với quê hương, đất nước xuất phát từ chính lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người con đất Việt, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.