Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 năm nay ước đạt 544.800 tỷ đồng nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành tăng gấp đôi.
Mặt bằng giá các mặt hàng phục vụ Tết nhìn chung tương đối ổn định, giá nhiều mặt hàng ở mức tương đương hoặc thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Thị trường bán lẻ và du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong dịp Tết Nguyên đán, qua đó phản ánh phần nào về sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam là nội dung được nhiều trang báo quốc tế đề cập mới đây.
Ngay sau khi tuần nghỉ lễ Tết Nguyên đán tại Việt Nam vừa kết thúc, trang News day.fr đã có bài viết nhận định năm Quý Mão vừa bắt đầu sẽ kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường bán lẻ Việt Nam. Còn theo khảo sát do Vietnam Report thực hiện, khoảng 53,8% doanh nghiệp bán lẻ đạt hiệu quả kinh doanh bằng hoặc tốt hơn trước dịch.
Bà Patricia Marques - Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam cho biết: "Sự hiện diện của chúng tôi tại thị trường Việt Nam là dài hạn. Sau đại dịch, chúng tôi sẽ mở rộng độ phủ của cửa hàng. Tôi cho rằng Việt Nam đang phục hồi kinh tế với tốc độ rất nhanh, mang đến những cơ hội kinh doanh hứa hẹn".
Thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Nổi bật trong các bài báo quốc tế về Việt Nam đầu năm Quý Mão còn là các tin tức về sự trở lại của khách quốc tế trong dịp Tết Nguyên đán, mang đến cơ hội lớn cho kinh tế du lịch Việt Nam. Trang Chinadaily của Trung Quốc đã đưa tin về chuyến bay đầu tiên chở 214 du khách Trung Quốc đến sân bay Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa sau 3 năm.
"Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi chính, vì trước khi có dịch thì du khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% du khách nước ngoài của Việt Nam", bà Yun Liu - Chuyên gia kinh tế về thị trường ASEAN, Ngân hàng HSBC nhận định.
Trong bản báo cáo cập nhật mới nhất vào cuối tháng 1, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,5% lên 6,8%, trong khi hạ dự báo tăng trưởng của ASEAN +3 từ 4,6% xuống 4,3%.
Ông Thue Quist Thomasen - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Bắc Âu (NordCham) tại Việt Nam đánh giá: "Chúng ta cần đảm bảo rằng các nhà đầu tư vẫn thấy thoải mái, vẫn coi Việt Nam là thị trường ít rủi ro, là một quốc gia ổn định về chính trị, ổn định về kinh tế".
"Chúng tôi đánh giá cao việc chính phủ đảm bảo xuất khẩu để nó có thể tiếp tục. Chính phủ Việt Nam đã đảm bảo tỷ lệ lạm phát không bùng phát như ở nhiều quốc gia và khu vực khác trên thế giới", ông Preben Hjortlund - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam nhận xét.
"Một nền kinh tế cởi mở", "một nền kinh tế tràn đầy sức sống", hay "Việt Nam sẽ tăng trưởng trong dài hạn và bền vững".... những đánh giá của các doanh nghiệp nước ngoài cũng chính là động lực và là yếu tố hấp dẫn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam trong bối cảnh khó khăn của năm 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.92131020203103202-em-hnam-ioh-cuhp-es-man-teiv-el-nab-gnourt-iht/et-hnik/nv.vtv