Bị cáo Trần Tuấn Việt là tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT, gọi tắt là Công ty Du lịch), là người đại diện quản lý 61,6% phần vốn nhà nước tại công ty. Ông Việt bị cáo buộc đã có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí hơn 10 tỉ đồng.
Kêu oan trước cáo buộc gây thất thoát hơn 10 tỉ đồng
Cụ thể là với hành vi ký hợp đồng nhận chuyển nhượng vốn đầu tư và thương hiệu của Công ty TNHH Sammei Tranding Development trong Công ty Liên doanh khách sạn Vũng Tàu - Sammy, ông Việt bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 7,2 tỉ đồng; với hành vi chuyển nhượng tài sản, lợi thế quyền thuê đất tại khu du lịch Nghinh Phong, ông Việt bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 3,2 tỉ đồng.
Bị cáo kêu oan rằng không vi phạm trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Công ty Du lịch vì giá trị của thương hiệu khách sạn mà bị cáo mua về còn cao hơn thực tế số tiền đã chi để mua. Trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng vốn đầu tư và thương hiệu của Công ty Sammei trong công ty liên doanh, bị cáo đã thực hiện đầy đủ thủ tục từ việc xin ý kiến của UBND tỉnh BR-VT, họp HĐQT và thống nhất giá chuyển nhượng vốn góp và thương hiệu Sammy với giá 3,8 triệu USD; bị cáo cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị duyệt giá chuyển nhượng.
Khi chưa có quyết định chuẩn y của UBND tỉnh nhưng bị cáo có ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp, sau đó ủy nhiệm chi chuyển tiền cho Công ty Sammei nhưng công ty này chỉ sử dụng được tiền khi có sự đồng ý bằng văn bản của Công ty Du lịch.
Cho đến ngày 24-5-2007, UBND tỉnh BR-VT chuẩn y việc chuyển nhượng toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Công ty Sammei trong Công ty Liên doanh khách sạn Vũng Tàu - Sammy cho Công ty Du lịch thì bị cáo mới ký công văn gửi ngân hàng đồng ý cho Công ty Sammei sử dụng 2,5 triệu USD.
Ngày 26-1-2022, TAND tỉnh BR-VT tuyên phạt bị cáo 12 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; buộc tiếp tục bồi thường cho Công ty Du lịch số tiền hơn 9,46 tỉ đồng (do gia đình bị cáo đã nộp 1 tỉ đồng).
Chưa xem xét giá trị thương hiệu khách sạn
Theo HĐXX phúc thẩm, Công ty Du lịch cho thuê thương hiệu Sammy để sử dụng cho khách sạn Sammy Dalat, giá thuê 100 triệu đồng/năm + 50 phòng nghỉ miễn phí; công ty còn sử dụng thương hiệu Sammy cho khách sạn ở Vũng Tàu.
Chứng thư thẩm định giá cũng chưa xem xét giá trị của thương hiệu Sammy để xác định giá trị tài sản thực tế của công ty liên doanh nhưng tổ giám định của Sở Tài chính tỉnh BR-VT lại căn cứ chứng thư thẩm định giá để làm cơ sở xác định thiệt hại việc chuyển nhượng vốn góp và thương hiệu Sammy đã làm thiệt hại 7,2 tỉ đồng là chưa đủ căn cứ.
Nhiều sai sót của cấp sơ thẩm
Tuy nhiên, xử phúc thẩm mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy án để điều tra lại theo thủ tục chung với nhận định như:
Theo tài liệu có trong hồ sơ thì ngày 16-5-2007, Sở KH&ĐT tỉnh có tờ trình xác nhận hồ sơ chuyển nhượng đã đảm bảo đầy đủ, hợp lệ và đề nghị UBND tỉnh xem xét, phê duyệt quyết định về việc chuyển Công ty Liên doanh khách sạn Vũng Tàu - Sammy thành doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam; UBND tỉnh căn cứ vào tờ trình đã chuẩn y việc chuyển nhượng toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Công ty S1 trong công ty liên doanh khách sạn...
HĐXX nhận định rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét, đánh giá đúng tính chất và mức độ hành vi của những người liên quan, các cơ quan trong việc tham mưu cho UBND tỉnh BR-VT chuẩn y việc chuyển nhượng toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Công ty Sammei trong Công ty Liên doanh khách sạn Vũng Tàu - Sammy dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước để xử lý trách nhiệm là chưa đúng với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, việc xác định thiệt hại trong việc nhận chuyển nhượng vốn đầu tư và thương hiệu của bên liên doanh nước ngoài trong công ty liên doanh cũng chưa ổn. Bởi lẽ đến thời điểm năm 2006 thì thời gian hoạt động còn lại của công ty liên doanh theo giấy phép đầu tư là 26 năm.
Do đó giá trị tài sản của công ty liên doanh là phần góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của Công ty Du lịch được phân bổ cho 26 năm còn lại và 16 năm miễn tiền thuê đất (công ty liên doanh chỉ nộp tiền thuê đất từ năm thứ 31 trở đi).
Nhưng tại chứng thư thẩm định giá ngày 9-9-2019 xác định giá trị quyền thuê đất của công ty liên doanh còn lại 8,56 năm, đồng thời xác định số năm còn lại của công ty liên doanh được miễn tiền thuê đất chưa đúng.
HĐXX phúc thẩm cũng nhận định rằng cấp sơ thẩm chưa làm rõ có hay không thiệt hại trong việc xác định bị cáo chuyển nhượng lợi thế quyền thuê đất. Bởi hồ sơ thể hiện Công ty Du lịch đã thanh toán hộ cho đối tác toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng trị giá 28 tỉ đồng (Bút lục 88)…
Nhiều sai sót của việc giám định
Về thủ tục giám định, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh BR-VT trưng cầu giám định viên thuộc Sở Tài chính giám định thiệt hại về tài chính do bị cáo chuyển nhượng vốn góp và thương hiệu Sammy của Công ty Sammei nhưng kết luận giám định ngày 6-11-2019 (Bút lục 805) chưa xác định rõ tư cách người giám định tham gia tổ giám định.
Căn cứ quyết định trưng cầu giám định ngày 2-5-2018 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh BR-VT trưng cầu Sở Tài chính tỉnh BR-VT giám định thiệt hại về tài chính do Công ty Du lịch tỉnh chuyển quyền thuê đất 5,58 tỉ đồng có gây thiệt hại cho Công ty Du lịch hay không? Gây thiệt hại như thế nào (nếu có)? Tuy nhiên, tại kết luận giám định ngày 15-8-2019, tổ giám định do cá nhân ông trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp tiến hành giám định và ký tên kết luận giám định (có xác nhận chữ ký của phó giám đốc Sở Tài chính) là không đúng quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Giám định tư pháp; điểm b khoản 3 Công văn 4713/BTPBTTP ngày 14-6-2013 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật Giám định tư pháp.