Ngày 30-1, ngày thứ hai làm việc trở lại sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM tại TAND TP.HCM, nhiều người dân, đương sự trong các vụ án đã đến liên hệ nộp đơn hoặc thực hiện các thủ tục tố tụng…
Nhiều bị hại vụ Alibaba đến tòa nộp đơn kháng cáo
Đại diện TAND TP.HCM cho biết sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, tòa bắt đầu làm việc trở lại từ ngày 27-1, các thủ tục tố tụng, việc nhận đơn của người dân diễn ra bình thường. Những ngày này số lượng người dân, đương sự trong các vụ án đến liên hệ tại tòa không quá đông. Tất cả cán bộ, công chức và người lao động làm việc trong những ngày đầu năm mới trên tinh thần phấn khởi, nghiêm túc và kỷ cương.
Người dân đến liên hệ làm việc tại TAND TP.HCM những ngày đầu làm việc trở lại sau tết Nguyên đán. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Cũng theo TAND TP.HCM, bên cạnh các công tác chuyên môn, trong những ngày đầu năm, văn phòng tòa cũng ghi nhận nhiều trường hợp đương sự là các bị hại trong vụ án Alibaba đến liên hệ để nhận bản án.
Liên quan đến vụ án Alibaba, ngoài các bị cáo kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt thì nhiều bị hại cũng đã đến tòa nộp đơn kháng cáo yêu cầu được nhận lại đất vì cho rằng Công ty Alibaba có đất.
Cũng trong sáng cùng ngày, Đoàn cơ sở TAND TP.HCM đã sinh hoạt dưới cờ tháng 2 với chủ đề “Ngày thành lập Đảng”. Trước dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức dẫn đến các tranh chấp mới có xu hướng tăng, tình hình tội phạm khả năng diễn biến phức tạp, TAND hai cấp TP.HCM xác định chủ đề năm công tác 2023 là: Công chức, người lao động TAND hai cấp TP.HCM đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương và nâng cao chất lượng xét xử.
Để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, Đoàn cơ sở TAND TP.HCM tập trung vào một số biện pháp như quán triệt đoàn viên là công chức, người lao động phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời, tổ chức các phong trào tình nguyện bám sát nhiệm vụ chính trị, định hướng vào công tác cải cách hành chính - tư pháp; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án. Tòa quán triệt 100% đoàn viên thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, quy chế dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý và sử dụng tài sản công…
TAND TP.HCM sẽ triệu tập ông Võ Thành Thống (nguyên chủ tịch UBND TP Cần Thơ) trong phiên xử đại án xảy ra tại Sở Y tế TP Cần Thơ vào tháng 2 tới.
Triệu tập nguyên chủ tịch UBND TP Cần Thơ
Ngày 9-2 tới đây, vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế TP Cần Thơ, Công ty NSJ và một số đơn vị liên quan dự kiến sẽ được TAND TP.HCM đưa ra xét xử.
Để phục vụ quá trình xét xử, tòa triệu tập 25 công ty, 109 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó có ông Võ Thành Thống, nguyên Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT.
Vụ án này, VKSND Tối cao đã phân công cho VKSND TP.HCM thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm. Trong số 20 bị cáo trong vụ án, hai bị cáo nguyên là giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ là Bùi Thị Lệ Phi và Cao Minh Chu.
Theo cáo trạng, từ năm 2017 đến 2019, Sở Y tế TP Cần Thơ là chủ đầu tư thực hiện bốn gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại BV Tim và BV Nhi với tổng giá trị gần 90 tỉ đồng.
Quá trình thực hiện đấu thầu các gói thầu, bị cáo Bùi Thị Lệ Phi cùng nhiều cán bộ tại Sở Y tế đã có hành vi không đảm bảo công bằng, minh bạch, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
Khi biết Sở Y tế TP Cần Thơ có nhu cầu mua sắm trang thiết bị y tế, Hoàng Thị Thúy Nga (chủ tịch hội đồng sáng lập NSJ Group) đã chủ động liên hệ và gặp ông Võ Thành Thống (khi ấy là chủ tịch UBND TP Cần Thơ) xin được tạo điều kiện để công ty của mình được cung cấp các thiết bị y tế.
VKSND Tối cao xác định hành vi của Bùi Thị Lệ Phi, Cao Minh Chu, Hoàng Thị Thúy Nga và đồng phạm đã vi phạm quy định về đấu thầu đối với bốn gói thầu, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 32 tỉ đồng.
Vụ án này, các bị cáo Phi, Nga, Chu có vai trò chủ mưu, cầm đầu, các bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức.
Vì sao nhiều bị hại vụ Alibaba không được nhận đất?
Bị hại vụ Alibaba tham gia phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 12-2022. |
Tháng 12-2022, TAND TP.HCM xét xử vụ Alibaba đã xác định Nguyễn Thái Luyện cùng đồng phạm chiếm đoạt hơn 2.446 tỉ đồng của 4.548 bị hại.
58 dự án của Công ty Alibaba không có bất kỳ văn bản nào xin phép chủ trương đầu tư. Đất thực hiện tại các dự án vẫn là đất nông nghiệp, chưa được chuyển mục đích sang đất ở. Công ty Alibaba cũng chưa thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng mà chỉ dừng ở việc chặt cây, san lấp mặt bằng, gắn biển quảng cáo, phân lô, bán nền dự án và tự vẽ bản vẽ chi tiết 1/500. Do đó, toàn bộ 58 dự án phân lô bán nền của Công ty Alibaba đều là không có thật và không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu xin nhận đất của các bị hại.