Sự kiện nổi bật đầu tiên là triển khai nhanh chóng việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương vì sự phát triển của TP.HCM. Cụ thể là Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Ngay sau khi được Quốc hội ban hành Nghị quyết 98, nhiều chính sách được thông qua như thành lập Sở An toàn thực phẩm; phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho TP.Thủ Đức…
Thứ 2, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính quyền hiệu quả, hiệu lực. Thành ủy TP.HCM quán triệt đến các cấp ủy, đảng viên nâng cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong việc thực hiện Kết luận số 21 và Quy định số 37 Ban Chấp hành Trung ương để tạo bước chuyển biến rõ rệt, hiệu quả, thiết thực trong công tác xây dựng Đảng.
Thứ 3, thực hiện quyết liệt các giải pháp vực dậy kinh tế, đạt những kết quả tích cực, khả quan. Tăng trưởng kinh tế tăng đều qua từng quý. Trong đó, quý 1 chỉ tăng 0,7%, quý 2 tăng lên 5,87%, quý 3 là 6,71%. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song kinh tế - xã hội TP.HCM đã có nhiều điểm sáng, tạo tiền đề và động lực tích cực để phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra.
Thứ 4, diễn đàn kinh tế TP.HCM "Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không". Diễn đàn diễn ra từ ngày 13 đến 17.9.2023, có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, hơn 1.400 đại biểu trong nước và quốc tế.
Điểm nhấn của diễn đàn là trao bản ký kết tuyên bố chung giữa lãnh đạo TP.HCM với Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Việc ký Tuyên bố chung góp phần giúp TP.HCM và Việt Nam tiếp cận các nguồn lực, kinh nghiệm cũng như tham gia các chương trình toàn cầu của WEF.
Thứ 5, Vành đai 3 và nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai cùng nhiều công trình khác được tái khởi động, khánh thành phục vụ người dân. Trong dó, dự án Vành đai 3 dài 76 km, đi qua 4 địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỉ đồng, là công trình giao thông lớn nhất phía Nam, được khởi công vào tháng 6.2023.
Thứ 6, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp - những điểm sáng, cùng cải cách hành chính hướng đến phát triển kinh tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Năm 2023, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa vào vận hành hiệu quả nhiều dịch vụ số phục vụ người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội. Trung tâm Điện tử và vi mạch bán dẫn được thành lập vào ngày 6.9, sự kiện này là khởi đầu đầy hứa hẹn trong công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp có vị trí chiến lược như công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn.
Về cải cách hành chính, tính đến tháng 12.2023, TP.HCM có 1.837 thủ tục hành chính đang áp dụng. TP.HCM đã phê duyệt 740 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến đáp ứng yêu cầu. Số hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trong năm 2023 là 22.583.451 hồ sơ, trong đó tỷ lệ giải quyết đúng hạn chiếm tỷ lệ 99,84%.
Thứ 7, chăm lo phát triển và đầu tư cho y tế - giáo dục - công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo quyền an sinh của người dân. Điểm nhấn là chương trình đưa bác sĩ trẻ thực hành 18 tháng tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế; củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ; thí điểm khám sức khỏe, phát hiện bệnh không lây nhiễm ở người từ 60 tuổi trở lên; ngân sách dành cho giáo dục được xem xét ưu tiên tăng theo từng năm.
Thứ 8, du lịch TP.HCM phục hồi và tăng trưởng mạnh. Chuỗi hoạt động văn hóa - giải trí - nghệ thuật đặc sắc diễn ra bên dòng sông Sài Gòn là dịp khơi dậy tình yêu quê hương và niềm tự hào của chính người dân thành phố về lịch sử ngàn đời của cha ông trên vùng đất này.
Chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND và UBND TP.HCM được đánh giá là một hoạt động có ý nghĩa, thể hiện sự cởi mở của chính quyền thành phố trong giai đoạn phát triển mới.
Thứ 9, an ninh quốc phòng giữ vững, an ninh trật tự xã hội ngày càng an toàn hơn. Năm 2023, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Các loại tội phạm trên địa bàn được ngăn chặn, triệt phá hiệu quả.
Thứ 10, tích cực đa dạng hóa quan hệ hữu nghị, đưa hợp tác quốc tế đi vào thực chất, hiệu quả. TP.HCM hiện có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với 58 địa phương trên thế giới. Có thể nói năm 2023, là năm có nhiều hoạt động đối ngoại sôi động, của các lãnh đạo thành phố đến các quốc gia như Nga, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Cuba và Mỹ...