Gói lại chặng đường 10 năm đặt nền móng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tính từ nghị quyết số 33 năm 2014, đầu năm mới, Tuổi Trẻ góp thêm những tiếng nói của những người trẻ trong chặng đường kế tiếp.
Vẫn còn dài
Khi lần đầu tiên có một hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng chủ trì, Nguyễn Đức Lộc (đại diện Ỷ Vân Hiên, chuyên về cổ phục) nói anh thấy vui mừng vì "đến thế hệ chúng tôi, công nghiệp văn hóa đã được định nghĩa rõ ràng hơn, được quan tâm hơn ở tầm vĩ mô".
Song theo Lộc, Việt Nam vẫn phải đi một chặng đường rất dài để văn hóa trở thành một sản phẩm công nghiệp.
"Khung pháp lý và chính sách cần hoàn chỉnh hơn. Có thế người làm văn hóa tiên phong mới vững tin hơn với lựa chọn của họ", Lộc nói.
Tiên Khổng - giám đốc sáng tạo cấp cao của Dentsu Redder, doanh nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam - nói hiện Việt Nam vẫn chưa có một hệ sinh thái để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đúng nghĩa và trọn vẹn, trong đó có vấn đề đào tạo tài năng trẻ - nguồn nhân lực chủ chốt và hứa hẹn cho phát triển công nghiệp văn hóa.
"Chủ yếu các bạn được đào tạo về marketing, qua lăng kính của người làm kinh doanh hơn là sáng tạo. Nếu các bạn trẻ được đào tạo và cập nhật những kiến thức mới nhất của ngành thì hệ sinh thái đó vững hơn", Tiên Khổng nói.
Nội dung Việt đang lên
Trả lời Tuổi Trẻ khi album Gieo của ban nhạc Ngọt vào top 5 đề cử giải Grammy ở hạng mục Thiết kế ấn phẩm đẹp, nhà thiết kế Duy Đào nói mấy năm gần đây châu Á đang rất mạnh:
"Có một "cơn sóng thần" đang hình thành. Đây là thời điểm "vàng" của những người làm sáng tạo. Hy vọng người Việt bắt kịp và hòa vào cơn sóng đó".
Tiên Khổng cho rằng khác Âu Mỹ rộng mở, bên trong văn hóa Á Đông tồn tại những thái cực đối lập mà khi va chạm sẽ tạo sự bùng nổ về sáng tạo.
Văn hóa bản địa giao thoa cùng văn hóa ngoại thì niềm tự hào khơi dậy, khi cá nhân va chạm với cộng đồng thì vẻ đẹp cá tính thăng hoa.
"Chính những điều đó làm nên chất liệu quý để sáng tạo Việt Nam có tiếng nói riêng trên thế giới, với xếp hạng mỗi năm một tăng cao của những ý tưởng sinh ra từ Việt Nam", chị nhận định.
Văn hóa bản địa kết hợp với văn hóa đương đại dễ tạo dấu ấn. Song theo đạo diễn Phương Vũ, việc khai thác các chất liệu này vẫn đang có nhiều điểm cần bàn lại. "Nền tảng, kiến thức vẫn là điều quan trọng mà những người trẻ vẫn cần trau dồi thường xuyên", đạo diễn này nói.
Cần quan tâm tới cộng đồng tiểu văn hóa
Nghệ sĩ 3D Duy Anh gửi đến góc nhìn của các nhóm cộng đồng tiểu văn hóa (subculture) thông qua hoạt động của Ươm Art Hub - một khu tổ hợp nghệ thuật tại TP.HCM - mà anh là đồng sáng lập.
Đây cũng là một trong những thành tố thuộc về công nghiệp văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. Theo Duy Anh, tính thương mại của các nhóm nghệ thuật tiểu văn hóa rất lớn, có khả năng tạo sản phẩm tốt và dễ tiếp cận, gần gũi hơn với người trẻ.
Cộng đồng dạng này có nhiều song đa số là tự phát, ít được đào tạo bài bản. Đa số tự học hoặc tham gia qua các hội nhóm chuyên biệt theo từng ngách nghệ thuật nhỏ.
"Mối quan hệ giữa doanh nghiệp sáng tạo và nghệ sĩ ở nhóm cộng đồng này khá chặt chẽ.
Điều này vừa tốt để xây dựng cộng đồng vừa tạo khoảng cách lớn giữa người mới và người lâu năm trong ngành", anh nói.
Khác với nghệ thuật chính quy, hệ sinh thái sáng tạo trong các nhóm hiện thiếu một hệ thống quản lý hay hỗ trợ chuyên biệt để kết nối giữa các bên tốt hơn. Đồng thời cần cả cơ chế bổ trợ và ươm mầm cho các tài năng trẻ.
Đạo diễn Phương Vũ, 9x đứng sau hàng loạt video viral, chia sẻ những người trẻ làm sáng tạo ở Việt Nam khá kết nối, hỗ trợ nhau.
Tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa thì nhiều, cộng đồng làm sáng tạo tuy nhỏ nhưng cá tính, có trình độ tiệm cận thế giới. Tuy nhiên nếu có một nền tảng để kết nối, bảo vệ và phát triển thì mới thành một cộng đồng gắn chặt và tạo ra giá trị lớn.
Sáng 22-12 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tuổi Trẻ Online cập nhật.