Ngày 1-1, ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ban hành văn bản yêu cầu các Sở Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức, cá nhân đang khai thác, kinh doanh tại các mỏ cát thương mại kê khai giá cát làm vật liệu xây dựng. Đây là động thái kiểm soát giá cát.
Đơn vị khai thác mỏ cũng sốc với phiên đấu giá cát
Cuối tháng 12-2023, Quảng Ngãi đưa ra đấu giá 5 mỏ cát thương mại. Kết quả đấu giá, tất cả các mỏ đều đẩy lên hơn 300.000 đồng/m3, thậm chí có mỏ giá tiệm cận 400.000 đồng/m3. Đây là mức giá khiến nhiều người sốc.
Một doanh nghiệp đang khai thác cát xây dựng cho biết mức giá cao ngoài sức tưởng tượng. Cuối năm 2022, doanh nghiệp này tham gia và trúng đấu giá với chi phí hơn 170.000 đồng/m3. Sau khi cộng các loại thuế tài nguyên, phí môi trường, chi phí khai thác... đơn vị kê khai giá bán với Sở Xây dựng ở mức gần 350.000 đồng/m3.
"Mức giá đấu như vậy mà kê khai giá của công ty giải trình đầy đủ và hợp lý, được chấp thuận đã cao đến vậy. Tôi không hiểu vì sao lần đấu giá này, lại đẩy giá cao gấp đôi so với đợt đấu giá trước", đại diện doanh nghiệp nói.
Dù tham gia đấu giá mỏ cát, thấy giá tăng chóng mặt, nhiều doanh nghiệp khai thác cát xây dựng có thâm niên ở Quảng Ngãi đều bỏ cuộc. Nhận định của các doanh nghiệp này là mức giá vừa đấu quá ảo, UBND tỉnh có động thái yêu cầu kê khai giá là hoàn toàn dễ hiểu.
"Với mức giá vừa đấu, hoàn thành nghĩa vụ tài chính và được cấp quyền khai thác, giá bán ra thị trường không bao giờ dưới 600.000 đồng/m3. Làm sao khai thác, bán với giá cát như vậy? Tôi khai thác mỏ cát thương mại khoảng 15 năm, chưa từng thấy mức giá này trước đây", đại diện một doanh nghiệp nói.
Khẩn trương kiểm soát giá cát
Với giá cát được đẩy lên mức không tưởng trong phiên đấu giá cuối năm 2023, UBND tỉnh phải khẩn trương yêu cầu các doanh nghiệp đang khai thác cát thương mại thực hiện kê khai giá cát. Dù cách đây 3 tháng, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa bỏ quy định này.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, qua theo dõi tình hình đấu giá mỏ cát thương mại trên địa bàn, UBND tỉnh nhận thấy có khả năng xuất hiện tình trạng đầu cơ, độc quyền làm tăng giá cát xây dựng. Cần can thiệp quản lý nhà nước để kiểm soát giá cát, ổn định thị trường.
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn tất việc kê khai giá cát ngay ngày 1-1 để cơ quan chức năng thẩm định, công bố giá, trình UBND tỉnh. Nếu không, phải tạm dừng kinh doanh cát xây dựng.
Như vậy sau 3 tháng UBND tỉnh Quảng Ngãi thông báo bỏ cát xây dựng ra khỏi danh mục hàng hóa phải kê khai giá. Đến nay, UBND tỉnh yêu cầu các mỏ cát thương mại phải kê khai giá trở lại.
Ngoài kê khai giá, tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu các đơn vị khai thác và kinh doanh cát xây dựng chịu trách nhiệm niêm yết và bán đúng giá đã niêm yết.
Hiện Quảng Ngãi có 6 mỏ cát được đấu giá thành công và đi vào khai thác. Cát xây dựng dồi dào, không còn khan hiếm như trước. Cung - cầu ổn định, nhưng giá cát vẫn ở mức cao chót vót.
Quảng Ngãi tiếp tục đưa ra đấu giá 5 mỏ cát để ổn định thị trường, bất ngờ giá được đẩy lên không tưởng, tăng 30 - 40 lần so với giá khởi điểm. Điều này khiến giá cát tiếp tục tăng cao hơn.
Trước năm 2021, giá cát xây dựng bán ra thị trường ở Quảng Ngãi chỉ ở mức 100.000 - 160.000 đồng/m3.
Sau khi Quảng Ngãi siết chặt cát tặc, giá cát bắt đầu dựng đứng. Thậm chí, có thời điểm Quảng Ngãi khan hiếm cát, dù trữ lượng cát lộ thiên ở Quảng Ngãi lên đến hàng chục triệu mét khối.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nói như vậy về việc 3 mỏ cát được đấu giá thâu đêm và được trả cao bất thường, gần 1.700 tỉ đồng vừa được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, báo cáo.