Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng và xúc động khi lễ khởi công dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được thực hiện tại Đông Khê - địa danh ghi dấu chiến thắng Biên giới Thu Đông năm 1950.
Thủ tướng nhận định dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là niềm khát vọng của người dân nơi đây. "Tôi đã từng tới Cao Bằng nhiều lần và trăn trở muốn sớm có con đường cao tốc kết nối với các tỉnh để đời sống nhân dân Lạng Sơn, Cao Bằng thay đổi, đền ơn sự hy sinh của người dân chiến khu Việt Bắc trước đây.
Cao Bằng có nút thắt lớn nhất là giao thông khi chỉ có mỗi đường bộ, không có cảng biển, sân bay, đường sông. Nếu không tháo nút thắt đường bộ thì làm gì?" - ông giải thích vì sao phải làm cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sớm hơn, dù trước đó có các ý kiến chờ đến năm 2030 mới làm tuyến cao tốc này theo quy hoạch.
Thủ tướng đánh giá dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh triển khai góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, tạo động lực phát triển kinh tế. Đồng thời tạo ra tuyến cao tốc đối ngoại kết nối hàng hóa từ các cảng Hải Phòng, Quảng Ninh sang Trung Quốc và các nước Trung Á, châu Âu.
Ông yêu cầu các đơn vị thực hiện dự án phải thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, đảm bảo môi trường, không vượt tổng mức đầu tư.
Tuyên bố khởi công dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Thủ tướng đề nghị xem việc thực hiện dự án này là "chiến dịch Đông Khê năm 2024", với mục tiêu ngày 1-1-2026 thông xe toàn tuyến. Nếu tình hình tốt, tiếp tục đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tới cửa khẩu Trà Lĩnh, sớm mở rộng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh từ 2 làn lên 4 làn xe.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đầu tư với chiều dài 93,3km. Điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), điểm cuối tại nút giao quốc lộ 3 (xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng). Trong giai đoạn 1, tuyến cao tốc này được đầu tư với quy mô nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và 13,5m đối với các đoạn phức tạp, vận tốc thiết kế 80km/h; đảm bảo nhu cầu giao thông trong giai đoạn 2025-2030.
Giai đoạn hoàn thiện sẽ đầu tư tiếp 27,7km còn lại của cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh nối tới cửa khẩu Trà Lĩnh. Giai đoạn này toàn tuyến được đầu tư với quy mô nền đường rộng 17m, hoàn thiện quy mô rộng 17m với các đoạn rộng 13,5m trong giai đoạn 1, trung bình 500m bố trí một vị trí dừng xe.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 là 14.331 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 1 là 36 tháng.
Theo nghị quyết số 106 Quốc hội ban hành ngày 28-11-2023 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, tỉ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.
Trên cơ sở tính toán về phương án tài chính và sự phù hợp với tính khả thi để có thể thu xếp vốn, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất vốn ngân sách tham gia dự án khoảng 9.800 tỉ đồng (chiếm 68,76% tổng mức đầu tư) từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh Cao Bằng.
Nguồn vốn nhà đầu tư huy động hơn 4.451 tỉ đồng (chiếm 31,24% tổng mức đầu tư) đã được các nhà đầu tư thu xếp đủ, trong đó VPBank đồng ý cấp nguồn vốn 2.500 tỉ đồng cho dự án.
Thủ tướng nhấn mạnh Cao Bằng cần tập trung 2 nhiệm vụ phát triển hạ tầng và đào tạo, phát huy nguồn lực con người, kết hợp nội lực, ngoại lực để phát triển.