Như Thanh Niên đã thông tin, ở huyện miền núi Tu Mơ Rông (Kon Tum), thứ ám ảnh nhất đối với học sinh (HS) tìm con chữ có lẽ là đèo dốc. Những con dốc lên xuống nối nhau như răng cưa là rào cản HS đến lớp. Để giữ chân HS, các giáo viên (GV) ở Trường tiểu học xã Đăk Hà đã bỏ tiền túi để nấu ăn cho các em.
Buổi sáng, khi HS đã vào lớp, bếp ăn của Trường tiểu học xã Đăk Hà lại bắt đầu thắp lửa. Để bữa cơm đúng giờ, một số GV cùng nhân viên cấp dưỡng tất bật sơ chế thức ăn chuẩn bị bữa trưa cho học trò.
Sáng mùa đông, trong cái rét căm căm, cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Đăk Hà, xắn tay áo hỗ trợ mọi người cắt rửa rau củ. Cô Vân cho hay, Ty Tu là một trong 3 điểm trường có HS khó khăn, nhà các em cách trường khoảng 3 - 4 km. HS tại đây muốn đến điểm trường đều phải leo qua 5 ngọn đồi.
Tất cả 73 HS lớp 1 và lớp 2 ở điểm trường Ty Tu không có chế độ bán trú, buổi sáng đi học thì buổi trưa phải về nhà ăn cơm. Trong khi đó, phụ huynh ở trên nương rẫy cả ngày, đến tối mới về nên không thể đưa đón con em đến lớp. Nhà xa quá, các em cũng lười đi học khiến chất lượng giáo dục đi xuống.
"HS không thể nhịn đói buổi trưa để học xuyên chiều. Các em cũng không thể leo đồi hơn 4 km về nhà ăn cơm rồi leo ngược 4 km quay lại trường học tiếp. Trong khi đó, các em không nằm trong diện được hỗ trợ tiền ăn buổi trưa. Đó chính là gốc rễ của vấn đề", cô Vân nói.
Không muốn tương lai các em dừng lại trên những mỏm đồi, các GV bàn nhau đóng góp tiền nấu cơm nuôi học trò. Từ năm 2021, GV trong trường trích tiền túi nấu cơm trưa để các em ăn, nghỉ lại trường. Ít lâu sau, phụ huynh cũng chung tay đóng góp củi và rau củ… Dù vậy, vì kinh phí vẫn còn hạn hẹp nên bữa ăn của các em vẫn chưa được đủ đầy.
Không đành lòng nhìn các em ăn uống kham khổ, các GV chia sẻ hình ảnh bữa cơm của các em lên mạng xã hội. Thời gian sau, biết được việc làm ý nghĩa của thầy cô, nhiều nhà hảo tâm từ khắp nơi tìm đến hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm… Từ đó, bữa ăn của các em mới đảm bảo dinh dưỡng hơn.
Ấm lòng những ngày đầu năm mới
"Hôm nay là những ngày đầu tiên của năm 2024, tình cờ đọc được bài viết này (bài Những giáo viên bỏ tiền túi nấu cơm cho học sinh ăn để tìm con chữ trên Thanh Niên Online) mà tự dưng tôi thấy mắt mình cay cay... Các thầy cô ở đây tuyệt vời quá. Các em HS cũng thật dễ thương. Thật ấm lòng trong những ngày đầu năm mới 2024 này. Mong sao có thêm nhiều bàn tay nhân ái đến với các GV, HS nơi đây trong năm mới này", bạn đọc (BĐ) Tinh Van bày tỏ.
BĐ Phong An Song cũng xúc động viết: "Thấy ấm lòng! Cảm ơn các thầy cô thầm lặng trên vùng cao gieo chữ, gieo cả lòng nhân ái cho mọi người".
BĐ Khac Hieu chia sẻ: "Câu chuyện về các thầy cô và HS nơi đây thật đẹp. Thầy cô giáo vùng cao tuy cuộc sống khó khăn nhưng lại rất có tâm vì học trò. Tình thầy trò như vậy thật đáng khen ngợi và học tập. Chắc rằng khi lớn lên, các em HS sẽ không bao giờ quên được những tình cảm ấm áp, những người thầy nhân hậu này, và các em sẽ lan tỏa những tình cảm đẹp đẽ này đến nhiều nơi".
Cùng tiếp sức cho giáo viên, học sinh miền núi
Nói về câu chuyện ấm lòng trên, BĐ Trịnh Cường bày tỏ: "Thật hay, thật quý. Các thầy cô gần gũi, yêu thương học trò, các em sẽ nhớ mãi... Nghĩ là sau bài báo này, cơ quan chức năng, địa phương, các nhà hảo tâm… sẽ chung tay chia sẻ với quý thầy cô. Một câu chuyện cần lan tỏa là đây! Chúc quý thầy cô và các cháu luôn mạnh khỏe, bình an, may mắn, mọi điều tốt lành trong năm mới 2024".
Còn BĐ Cong Thanh viết: "Tôi cũng muốn giúp một tay, chung tay với các GV ở huyện miền núi Tu Mơ Rông chăm lo cho các HS vùng cao này. Báo Thanh Niên có thể làm cầu nối giúp những BĐ như tôi được không? Tôi tin là sẽ có thêm nhiều BĐ cùng chung tay vì các GV, HS nơi đây".
"Các thầy cô và HS nơi đây rất cần được tiếp sức để đem con chữ đến với những HS vùng cao khó khăn. Cha mẹ tôi hay nói: Năm mới làm điều thiện, điều tốt thì sẽ an lành cả năm. Mong là sẽ có thêm các nhà hảo tâm, BĐ của Báo Thanh Niên cùng chung tay tiếp sức cho các GV, HS vùng khó khăn", BĐ Thanh Man mong mỏi.