Vượt khó
Nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP. Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2020-2025) có thể gói gọn trong từ “vượt khó”, bởi không chỉ bị tác động do những khó khăn chung về bất ổn của tình hình chính trị, kinh tế thế giới, Đà Nẵng còn phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ, Đà Nẵng phải đương đầu với dịch bệnh, buộc phải áp dụng những biện pháp chưa từng có nhằm ứng phó và ngăn chặn. Những khó khăn đó đã ảnh hưởng lớn đến đà tăng trưởng của thành phố biển này.
Tuy vậy, với những nỗ lực không ngừng, Đà Nẵng đã vượt qua và từng bước phục hồi, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế. Thống kê cho thấy, kinh tế Thành phố tăng trưởng và phục hồi nhanh trong một số lĩnh vực, nhất là dịch vụ, du lịch, công nghiệp công nghệ thông tin. Tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2023 ước tăng 6,3%/năm; Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tăng qua các năm; tổng doanh thu lưu trú, lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch ước tăng 50,9%/năm; kim ngạch xuất khẩu ước tăng bình quân 12,5%/năm; kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước tăng 16,3%/năm…
Không những thế, Đà Nẵng là đơn vị 12 năm liên tục (2009-2021) dẫn đầu Bảng Xếp hạng khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Chỉ số Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin Việt Nam (Việt Nam ICT Index); năm 2020 và 2022, Đà Nẵng nhận danh hiệu “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; ba năm liên tiếp (2020-2022) đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam; hai năm liên tiếp (2021-2022) đứng đầu khối các tỉnh, thành phố về Chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 một lần nữa cũng phản ánh nỗ lực vượt khó của Đà Nẵng. Trong bối cảnh khó khăn, TP. Đà Nẵng đã giữ được mức tăng trưởng GRDP năm 2023 là 2,58%; quy mô kinh tế của Thành phố năm 2023 (giá hiện hành) đạt hơn 134.000 tỷ đồng, quy mô tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng so với năm 2022. TP. Đà Nẵng đã hoàn thành và được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời cơ bản hoàn thành 9/9 đồ án phân khu đô thị và 4/10 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng chức năng…
Việc hoàn thành các quy hoạch là tiền đề vô cùng quan trọng cho sự phát triển của Đà Nẵng, bởi sẽ tạo dựng cơ sở pháp lý, định hướng những lĩnh vực trọng yếu, động lực cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Vì thế, các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế cũng thuận lợi hơn để rót vốn đầu tư vào Thành phố.
Tại lễ công bố quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 7 dự án, gồm 6 dự án có vốn đầu tư trong nước và một dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng.
Chính vì thế, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh khẳng định, Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của Thành phố trong giai đoạn mới; là nền tảng để tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Kiến tạo động lực mới
TP. Đà Nẵng đã chủ động tìm động lực mới cho sự phát triển. Trong đó, hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo là một trong những đột phá mà Thành phố hướng đến để đổi mới mô hình tăng trưởng. Vì vậy, thời gian qua, rất nhiều hoạt động “con thoi” được TP. Đà Nẵng thực hiện để chuẩn bị hạ tầng, nguồn nhân lực, mời gọi đầu tư trên lĩnh vực này.
Cuối năm 2023, Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cấp phép cho Tập đoàn Foxlink International Investment Ltd. của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư Dự án nhà máy điện tử Foxlink Đà Nẵng tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Dự án có tổng vốn đầu tư 135 triệu USD, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao. Còn trong khung khổ chuyến công tác tại Hoa Kỳ vào tháng 11/2023, lãnh đạo TP. Đà Nẵng có các buổi gặp gỡ, làm việc với các công ty, tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn như Qorvo, Marvell, Nvidia, Intel.
Theo thống kê, TP. Đà Nẵng có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, lắp ráp các thiết bị, linh kiện điện tử, với gần 10.500 lao động. Hiện nay, nhiều công ty hoạt động về thiết kế vi mạch như Synopsys, Uniquify, Savarti… đã có mặt tại Đà Nẵng.
Về hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin, Đà Nẵng hiện có một khu công nghệ cao; 6 khu công nghiệp và chế xuất; 3 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm đang hoạt động. Thành phố cũng đã triển khai đầu tư xây dựng Khu công viên phần mềm số 2, đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đưa vào vận hành, khai thác. Tiếp tục mở rộng Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng giai đoạn II; thu hút đầu tư Khu không gian sáng tạo Hòa Xuân, hỗ trợ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng Tòa nhà công nghệ cao Viettel, Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng Bay. Các hạ tầng đó đảm bảo sẵn sàng phục vụ các tập đoàn, doanh nghiệp điện tử, vi mạch, bán dẫn.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ, ông nhìn thấy tương lai của Đà Nẵng, khi Việt Nam đang dần trở thành điểm đến, điểm tựa cho ngành công nghiệp bán dẫn. Đà Nẵng có nhiều lợi thế, như có tỷ lệ trường đại học/dân số cao nhất cả nước, sinh viên chiếm 10% dân số. Nhiều công ty công nghệ thông tin, bán dẫn lớn trên thế giới đã ở Đà Nẵng.
“Nếu thung lũng Silicon chỉ có khu vườn hoa quả, thì Đà Nẵng còn có biển, có sông, có núi, có cảnh đẹp thiên nhiên. Đây là nơi hấp dẫn mọi người ghé đến. Và thực tế, đã có rất nhiều người nổi tiếng trên thế giới bằng cách này hay cách khác đến thăm Đà Nẵng”, ông Bình nhận định.
Ngoài công nghiệp bán dẫn, Đà Nẵng cũng đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Bản vẽ chi tiết về trung tâm tài chính đã được hoàn chỉnh. Theo đó, giai đoạn 2023-2024 sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phát triển trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng, bao gồm lựa chọn nhà đầu tư, quy hoạch phân khu trung tâm tài chính, quy hoạch chi tiết... Đề xuất cơ chế thành lập Hội đồng Phát triển trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam. Giai đoạn 2024-2030, tập trung hoàn chỉnh hạ tầng trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng, bao gồm hạ tầng cứng như văn phòng, khu phức hợp... và hạ tầng mềm như hạ tầng tài chính, công nghệ thông tin.
Đà Nẵng có nhiều thuận lợi để hình thành trung tâm tài chính quốc tế, khi sở hữu vị trí địa lý và khả năng kết nối; nhiều điều kiện tốt về hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống và các nhu cầu phát triển cơ bản. Ngoài ra, Đà Nẵng được định hướng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, có nền tảng và lợi thế về hạ tầng để hình thành một trung tâm fintech. Đà Nẵng có quỹ đất sạch khá lớn (diện tích 6,17 ha) được quy hoạch phục vụ việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính với điều kiện, vị trí kết nối, hạ tầng tốt… Tất cả đã sẵn sàng để Đà Nẵng thu hút, trở thành điểm đến của các định chế tài chính quốc tế…
Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng và kiến tạo nên những động lực phát triển mới, để đưa Đà Nẵng trở thành một đô thị lớn, trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á…
Đà Nẵng đang đứng trước vận hội lớn, để khẳng định mình trong cuộc tranh đua quốc tế.