Nga cấm nhập cảnh 500 công dân Mỹ
Ngày 19-5, Bộ Ngoại giao Nga thông báo lệnh cấm nhập cảnh đối với 500 công dân Mỹ, để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Washington.
Danh sách có cả cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, một số người dẫn chương trình truyền hình và các nghị sĩ, thành viên của các nhóm chuyên gia cố vấn "có liên quan đến việc truyền bá quan điểm bài Nga" cũng như những lãnh đạo các công ty "cung cấp vũ khí cho Ukraine".
"Washington đáng lẽ phải học từ lâu rằng không một bước đi thù địch nào chống lại Nga sẽ không được đáp trả", Hãng tin AFP dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Ngoài ra, Nga từ chối cho phái đoàn ngoại giao Mỹ thăm nhà báo Evan Gershkovich, người bị bắt hồi tháng 3-2023 với cáo buộc làm gián điệp. Động thái này nhằm đáp trả việc Washington từ chối cấp thị thực cho các nhà báo tháp tùng Ngoại trưởng Sergei Lavrov đến trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Mỹ hồi tháng 4-2023.
* Tổng thống Ukraine và Mỹ gặp riêng ở G7. Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông sẽ gặp riêng người đồng cấp Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 tại Nhật Bản.
Theo đó, hai nhà lãnh đạo sẽ bàn nhiều vấn đề bao gồm lập liên minh các nước cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, mà nhờ đó "Ukraine sẽ sớm có mọi thứ cần thiết để bảo vệ bầu trời, thành phố và công dân của mình".
Trước đó, ông Biden đã thông báo với các nhà lãnh đạo nhóm G7 rằng Washington sẽ ủng hộ việc cùng các đồng minh huấn luyện phi công Ukraine lái tiêm kích F-16 và thúc đẩy chuyển giao máy bay này cho Kiev.
Ông Zelensky đã hoan nghênh động thái của Mỹ, cho rằng việc này sẽ "củng cố quân đội của chúng tôi trên không".
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói London sẽ làm việc với Mỹ, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch để củng cố năng lực không chiến của Ukraine.
* Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định quan hệ tích cực với Nga. Ông Recep Tayyip Erdogan, nhà lãnh đạo kỳ cựu đang tái tranh cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định Ankara có mối quan hệ mạnh mẽ và tích cực với Matxcơva. "Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cần nhau trên mọi lĩnh vực", ông khẳng định trong phỏng vấn với Đài CNN.
Đối thủ của ông Erdogan sau vòng bỏ phiếu thứ nhất ngày 14-5, ông Kemal Kilicdaroglu, lại chủ trương củng cố quan hệ với phương Tây.
Đàm phán nợ công Mỹ lại rơi vào bế tắc
Ngày 19-5, Đảng Cộng hòa thông báo tiến trình đàm phán về trần nợ công "tạm dừng" và đổ lỗi cho phe Dân chủ không có động thái cắt giảm chi tiêu.
"Cho đến khi mọi người sẵn sàng có những cuộc trò chuyện khó khăn về làm sao để thực sự có thể tiến về phía trước và làm điều đúng đắn, chúng tôi sẽ không ngồi đây đàm phán", hạ nghị sĩ Garret Graves, người được Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy chỉ định tham gia các cuộc đàm phán với phía Tổng thống Joe Biden, tuyên bố sau khi bỏ ngang cuộc họp.
Ông McCarthy sau đó cũng cho rằng phe Cộng hòa tạm dừng đàm phán vì không có bất cứ động thái nào của Nhà Trắng về việc cắt giảm chi tiêu.
Sau đó, ông cho biết việc đàm phán sẽ nối lại vào cuối ngày 20-5, giờ địa phương.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết nhóm đàm phán của ông Biden vẫn đang nỗ lực hướng tới giải pháp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận và cơ hội đạt được thỏa thuận vẫn chưa khép lại.
Theo một số nguồn tin, ông Biden, đang dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 tại Nhật Bản, sẽ trao đổi với nhóm đàm phán Dân chủ. Ông dự kiến trở về nước ngày 21-5 để tiếp tục đàm phán.
Hai bên bước vào đàm phán với khác biệt lớn, trong đó phe Cộng hòa kiên quyết đòi cắt giảm mạnh chi tiêu để đồng ý nâng trần nợ công của Mỹ hiện ở mức 31.400 tỉ USD.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp ngày 16-5, ông Biden và các lãnh đạo Cộng hòa đều để ngỏ khả năng đạt được thỏa thuận trước hạn chót 1-6.
* Fed có thể không tăng lãi suất vào tháng sau. Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng cơ quan này có thể không cần phải tăng lãi suất quá cao, do các điều kiện tín dụng đang bị siết chặt bởi những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng có nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế và lạm phát của Mỹ.
"Các rủi ro... đang trở nên cân bằng", ông Powell nói, dù vậy vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách vào ngày 13 và 14-6.
Sau khi Fed tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 5% - 5,25%, sau cuộc họp hồi đầu tháng này, giới chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ tạm ngừng chuỗi tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Ukraine nói đẩy lùi tấn công của Nga vào Bakhmut; Mỹ định giá viện trợ Ukraine 'lố' 3 tỉ USD?... là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 19-5.