Dù đã bước sang năm 2024, nhưng nền kinh tế toàn thế giới vẫn đang chịu tác động từ năm 2023. Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ không quá 2,1% trong năm nay.
2023 cũng là năm thế giới tiếp tục chật vật với cuộc chiến chống lạm phát. Điểm sáng là theo IMF, lạm phát cơ bản đang trên đà giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm 2023 và xu thế này sẽ tiếp tục xuống còn khoảng 4,8% năm 2024.
Tuy vậy, lạm phát cao, bất ổn giá cả do ảnh hưởng từ các điểm nóng xung đột vẫn khiến câu chuyện phục hồi còn khá chậm và nhiều rủi ro.
New York - thành phố thu hút đông khách du lịch nhất tại Mỹ. Tuy nhiên theo thống kê, lượng khách quốc tế năm nay mới chỉ bằng hơn 70% thời trước dịch. New York chỉ là câu chuyện điển hình của nhiều thành phố du lịch khác: hậu COVID-19, lại gặp lạm phát cao.
"Chúng tôi đang hồi phục và năm sau sẽ tốt hơn. Tôi biết du khách phải thắt chi tiêu do lạm phát tác động. Nên chúng tôi sẽ không quá chú trọng vào số lượng du khách. Bây giờ phải tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của thành phố", ông Fred Dixon, Chủ tịch Tổ chức Du lịch và Hội nghị New York, Mỹ, cho biết.
Sang năm 2024, nền kinh tế toàn thế giới vẫn đang chịu tác động từ năm 2023. (Ảnh: Bloomberg)
Lạm phát cao là nỗi ám ảnh với kinh tế toàn cầu trong năm 2023. Hãng Reuters thống kê đến tháng 12, các ngân hàng trung ương thế giới đã phải tăng lãi suất 37 lần với hơn 1.175 điểm cơ bản để chống lạm phát. Riêng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) góp tới 4 lần tăng.
"Khi nào chúng tôi cảm thấy thoải mái rằng lạm phát đã giảm và nó giảm thực sự thì mới tính tới hạ lãi suất, nhưng vẫn còn nhiều bất trắc trong cuộc họp tới và cả năm sau", Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nhận định.
Năm 2023 chứng kiến 5 ngân hàng của Mỹ phá sản. Còn với người tiêu dùng, họ vừa phải đối mặt với lạm phát cứng đầu, lãi suất vay tiêu dùng cao và xăng dầu tăng giá. OPEC+ tuyên bố giảm sản lượng dầu, xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra khiến dầu thô có lúc lên tới hơn 90 USD/thùng.
"Ai mà biết cuộc xung đột Israel - Hamas sẽ đi theo hướng nào? Đối với tôi, điều đó sẽ giữ giá dầu tăng trong một thời gian", ông Robert Yawger, Trưởng Bộ phận Phân tích Năng lượng của Mizuho, nêu quan điểm.
Đến gần thời điểm cuối năm, giá dầu đã giảm và ổn định quanh ngưỡng hơn 70 USD/thùng. Các nhà đầu tư cho rằng, nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ giảm khi các nền kinh tế lớn hạ cánh mềm vào năm 2024. Còn cuộc xung đột tại Trung Đông có thể không lan rộng.
"Nếu nó lan rộng như cuộc chiến Yom Kippur thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường và dẫn tới suy thoái như năm 1973. Khi đó là vấn đề lớn. Nhưng chúng tôi tiên lượng, điều đó sẽ không xảy ra trong cuộc xung đột lần này", ông Sam Stovall, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược, Công ty CFRA, Mỹ, cho hay.
Giới phân tích dự đoán, năm sau lạm phát sẽ về mức từ 2,1 - 2,5%. Nếu đúng như vậy, FED hoàn toàn có thể hạ lãi suất sớm hơn và nhiều lần hơn dự kiến. Cùng với Mỹ, khu vực châu Âu và các nền kinh tế mới nổi cũng có thể có động thái tương tự.
Một nền kinh tế toàn cầu "bình thường" hơn trong năm mới là điều nhiều nhà phân tích và giới đầu tư mong chờ.
Phân mảnh kinh tế - nguy cơ mới trong quá trình phục hồi
Xung đột, căng thẳng chính trị an ninh ở nhiều nơi trên thế giới đang tác động rõ rệt tới kinh tế toàn cầu, tạo ra nguy cơ mang tính hệ thống trong quá trình kinh tế thế giới phục hồi - đó là phân mảnh kinh tế, biểu hiện ở việc thương mại toàn cầu ước tính sụt giảm 5% so với năm ngoái. Lo ngại về hiện tượng bảo hộ ở một số khu vực xuất hiện, ảnh hưởng tới quá trình hồi phục. Điều này đã được nhiều tổ chức như Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đề cập vào cuối năm.
"Có một nguy cơ thực sự về sự phân mảnh - một sự rạn nứt lớn trong hệ thống kinh tế và tài chính thế giới", Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterrez nhấn mạnh.
Cạnh tranh thương mại giữa các cường quốc, xung đột vũ trang bùng phát tại nhiều nơi, từ xung đột Nga - Ukraine đến Israel - Hamas, lạm phát tăng cao đã phủ bóng tăng trưởng toàn cầu trong suốt 1 năm qua. Cùng với đó là những lo ngại về sự xói mòn niềm tin vào quá trình toàn cầu hóa.
"Những cuộc khủng hoảng kép, đại dịch và xung đột cũng như khả năng ứng phó của chúng ta trước các vấn đề đó ngày càng phức tạp hơn bởi rủi ro ngày một tăng, sự phân mảnh của kinh tế thế giới thành các khối, với những sự khác biệt về tiêu chuẩn thương mại và công nghệ, hệ thống thanh toán tiền tệ dự trữ", bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho hay.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo nếu không kiểm soát được tình trạng gia tăng các biện pháp thương mại đơn phương sẽ khiến nền kinh tế thế giới tách biệt thành 2 khối thương mại, dẫn đến GDP toàn cầu suy giảm.
"Chúng tôi cho rằng việc chia thành 2 khối về lâu dài sẽ dẫn đến giảm 5% GDP toàn cầu và mất khoảng 12 - 14% đối với các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Đây là lý do tại sao chúng tôi cảnh báo chống lại sự phân mảnh", bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nhận định.
Lo ngại đã xuất hiện, về việc các tính toán địa chính trị không chỉ cản trở sự hợp tác toàn cầu, mà còn đồng thời tác động chia rẽ nền kinh tế thành các khối cạnh tranh gay gắt.
Dù có lo ngại, nhưng theo các chuyên gia, đây mới chỉ là hiện tượng tạm thời và trước mắt, đặt ra một số thách thức ngắn hạn. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế vẫn sẽ là xu thế khách quan. Về lâu dài, nhiều ý kiến nhận định, toàn cầu hóa có thể điều chỉnh, theo hướng cân bằng giữa hội nhập với tự chủ chiến lược; giữa tham gia cuộc chơi chung với nâng cao khả năng chống chịu bên trong từng quốc gia, từng nền kinh tế.
Việt Nam đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong khu vực
Đối với Việt Nam, GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước. Con số đã được Tổng cục Thống kê công bố. Dù thấp hơn mục tiêu 6,5%, nhưng cao hơn nhiều nước trong khu vực và thế giới, là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu sụt giảm.
Năm nay, công nghiệp và xây dựng tiếp tục đối diện nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm. Riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, là mức tăng thấp nhất trong 13 năm.
Dù vậy, sự phục hồi tốt của các hoạt động thương mại, tiêu dùng, du lịch đã bù đắp tích cực. Khu vực dịch vụ đóng góp nhiều nhất, hơn 62% vào giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
"Bất chấp cú sốc mạnh giáng xuống nền kinh tế, tiêu dùng tư nhân vẫn phục hồi tốt. Sự tăng trưởng của doanh số bán lẻ, một chỉ số nói lên tiêu dùng cá nhân, ổn định ở mức khoảng 7,5% kể từ tháng 8", ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, đánh giá.
GDP Việt Nam năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước.. (Ảnh: PLO)
Trong khi đó, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á tại Việt Nam, cho rằng việc giữ mức tăng trưởng trên 5% là rất ấn tượng. Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế tiếp tục thể hiện sự chống chịu tốt trước các biến động của nền kinh tế toàn cầu. Đây là tín hiệu rất khả quan so với các nền kinh tế có độ mở lớn, theo hướng xuất khẩu như Thái Lan, Malaysia.
Giá cả ổn định, ít biến động của nhiều hàng hóa thiết yếu là điều nhiều người dân cảm nhận rõ, nhất là trong đợt cuối năm vừa qua.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2023 tăng 3,25% so với năm trước, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 4%. Kinh tế vĩ mô ổn định được giữ vững là những nền móng vững vàng cho nền kinh tế.
Cùng với những kỳ vọng vào chính sách điều hành linh hoạt trong năm 2024, việc quyết liệt hơn trong cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh sẽ tiếp tục giúp Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư quốc tế.
VTV.vn - Các tổ chức quốc tế mới đây đã có những nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của toàn cầu trong năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.83274720220104202-3202-man-uac-naot-et-hnik-iov-hna-ma-ion-oac-tahp-mal/et-hnik/nv.vtv