3 nhà băng dự kiến chi cổ tức dịp đầu năm mới
Mới đây, ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank, mã chứng khoán: BAB) công bố nghị quyết về ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông là ngày 12/1.
Ngân hàng này dự kiến phát hành hơn 62,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng với tỷ lệ 7,5%. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 625 tỷ đồng. Số cổ phiếu phổ thông phát hành để trả cổ tức cho cổ đông không bị hạn chế chuyển nhượng.
Nguồn thực hiện được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế năm 2023 của ngân hàng này sau khi đã trích lập các quỹ, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Sau khi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, vốn điều lệ tại Bac A Bank dự kiến sẽ tăng từ gần 8.334 tỷ đồng lên hơn 8.959 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, mã chứng khoán: SGB) cho biết vừa nhận được văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Ngân hàng này dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ tối đa thêm 308 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức 10% cho cổ đông hiện hữu được đại hội đồng cổ đông thông qua.
Sau khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên 3.388 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, đây sẽ là lần đầu tiên sau hơn 10 năm, ngân hàng này mới tiếp tục tăng vốn điều lệ.
Lần gần nhất thực hiện tăng vốn là vào năm 2012 khi Saigonbank thực hiện phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Từ đó đến nay, vốn điều lệ của Saigonbank giữ nguyên mức 3.080 tỷ đồng, ở nhóm thấp nhất trong các ngân hàng thương mại.
Ngoài 2 đơn vị nêu trên, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, mã chứng khoán: VIB) cũng chuẩn bị kế hoạch chia cổ tức vào năm 2024. Ngân hàng dự kiến thực hiện tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ là 6%. Số tiền chia cổ tức ước tính là hơn 1.522 tỷ đồng.
VIB là một trong số những ngân hàng tích cực chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông hiện hữu. Riêng năm 2023, ngân hàng này đã có 2 đợt chia cổ tức vào tháng 3 với tỷ lệ 10% và tháng 5 với tỷ lệ 5%.
Ngoài trả cổ tức bằng tiền mặt, VIB cũng đã chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 20%. Cuối tháng 6, ngân hàng vừa phát hành thêm 7,6 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động. Tổng cộng, vốn điều lệ của ngân hàng đã tăng lên 25.368 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng lên kế hoạch chia cổ tức tiền mặt trong năm 2024
Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB, cho biết, trước thời gian dịch Covid-19, ngân hàng này thường chia cổ tức 2 phần vừa tiền mặt vừa cổ phiếu. Nhưng năm 2020-2022, ngân hàng dành nguồn lực để chống đỡ rủi ro, nên không chia cổ tức tiền mặt.
Đến đầu năm 2023, Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm nay do Ngân hàng Nhà nước công bố, cơ quan này không còn yêu cầu các ngân hàng thương mại không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Như vậy, nếu không có sự hạn chế từ cơ quan có thẩm quyền, ngân hàng kỳ vọng chia cổ tức từ 30% trở lên so với lợi nhuận năm 2023 sẽ đạt được.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPBank) trong năm 2023 cũng đã chi ra gần 8.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua ngân hàng này thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.
Tại phiên họp cổ đông thường niên 2023, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, với tiềm lực của VPBank, ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp và đủ để được phép chia cổ tức 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho cổ đông.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) đã không chia cổ tức bằng tiền mặt trong suốt 10 năm, kể từ năm 2013. Tuy nhiên, trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông 2023, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT ngân hàng, đã đề cập đến việc "có thể sẽ có thay đổi".
Năm 2023, đã có 6 ngân hàng thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt là VPBank, HDBank, VIB, TPBank, ACB và MB.