Gửi tiết kiệm không còn là kênh đầu tư hấp dẫn
10 triệu đồng/tháng là mức thu nhập khá phổ biến với các bạn trẻ và nhân viên văn phòng.
Theo ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc phân tích đầu tư FIDT, với mức thu nhập ổn định như vậy, dân công sở vẫn có thể phân bổ chi tiêu hợp lý và đầu tư sinh lợi nhuận. Với mức thu nhập và khoản tích lũy nhỏ, nhà đầu tư không nên đầu tư vào các kênh yêu cầu nguồn vốn lớn như bất động sản.
Khi chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm, nhà đầu tư cũng không nên đầu tư vào crypto (tiền mã hóa) hay forex (thị trường ngoại hối) vì các kênh đầu cơ này có rủi ro cao. Bên cạnh đó, 2 kênh này cũng chưa được công nhận tại Việt Nam nên không được đảm bảo về mặt pháp lý.
Chuyên gia cho rằng nhà đầu tư có thể phân bổ một phần tài sản của mình để gửi tiết kiệm tại các ngân hàng. Trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023, gửi tiết kiệm trở thành kênh đầu tư hấp dẫn khi lãi suất tăng cao.
Tuy nhiên, mức lãi suất tại các nhà băng sẽ không còn quá hấp dẫn trong năm 2024. Xu hướng giảm lãi suất có thể khiến nhiều nhà đầu tư tìm cách chuyển dịch dòng vốn khỏi kênh này.
Trong năm 2024, dự đoán Ngân hàng Nhà nước tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, lãi suất huy động vẫn sẽ ở mức thấp và chưa có dư địa tăng mạnh trở lại. Hiện nay, lãi suất tiền gửi với kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng chỉ trung bình ở mức 5%/năm.
Chứng khoán và vàng là kênh đầu tư hấp dẫn
Do đó, theo ông Huỳnh Hoàng Phương, với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng, nhà đầu tư có thể phân bổ dòng tiền ổn định vào 2 kênh đầu tư là vàng và chứng khoán.
Năm 2024, nền kinh tế dự báo còn đối mặt với nhiều thách thức nhưng năm này cũng mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư chứng khoán. Những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có thể tác động tích cực tới triển vọng tăng trưởng của thị trường.
Sau khi tích lũy một số vốn nhỏ, nhà đầu tư có thể tham gia thị trường chứng khoán, nghiên cứu công ty, tìm cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt, tính thanh khoản cao. Theo chuyên gia, thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư thu hút dòng vốn và sinh lời hiệu quả.
"Trong bối cảnh Mỹ hạ cánh mềm, vàng sẽ không giảm nhiều mà chứng khoán thì sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt. Nhà đầu tư có thể kết hợp 2 tài sản này sẽ vừa đảm bảo được khả năng sinh lời, vừa bảo vệ được tài sản của mình trong những giai đoạn nhiều rủi ro", ông Phương chia sẻ.
Ông chia sẻ thêm rằng vàng được xem là tài sản phòng thủ, do đó không nên so sánh vàng và các kênh đầu tư khác về lợi tức. Trong những giai đoạn rủi ro, vàng có thể trở thành tài sản chiến lược trong danh mục đầu tư.
Năm 2023, vàng là kênh đầu tư sinh lãi hiệu quả. Tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội vàng thế giới, với kịch bản kinh tế Mỹ không suy thoái, vàng sẽ có xu hướng đi ngang và tăng trưởng nhẹ trong năm 2024. Vì vậy, chuyên gia cho rằng nếu nhà đầu tư chưa có vàng thì vẫn nên chọn thời điểm phù hợp để nắm giữ.
Bên cạnh đó, ông Phương cũng cho rằng đầu tư vào chứng chỉ quỹ cũng là một phương pháp hiệu quả khi số vốn không quá lớn: "Với những người không có thời gian và kinh nghiệm đầu tư thì lựa chọn mua chứng chỉ quỹ là một hình thức đầu tư an toàn".
iMoney là dòng sản phẩm chuyên các bài viết về tư vấn đầu tư, tư vấn tiêu dùng, được đăng tải vào thứ 4 mỗi tuần trên báo Dân trí.
iMoney sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về đầu tư, tiêu dùng, tư vấn tài chính, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền mã hóa, tư vấn tiêu dùng cũng như chia sẻ các tip tiêu dùng thông minh, hiệu quả...