Theo thống kê, trong năm học này Kon Tum có 133 trường mầm non và mẫu giáo. Số trường tiểu học và tiểu học - trung học cơ sở là 147 trường với gần 66.000 học sinh, trong đó hơn 61% là con em đồng bào các dân tộc thiểu số.
Dành nguồn lực ngay từ đầu cho mầm non
Xác định chăm lo cho giáo dục mầm non, mẫu giáo để tạo tiền đề tốt ngay từ ban đầu, bà Huỳnh Thị Thu Vân - trưởng Phòng GD Tiểu học, Mầm non (Sở GD-ĐT Kon Tum) cho biết, toàn ngành đang dồn tâm huyết để trẻ có cơ hội phát triển toàn diện.
Nếu như trước đây tình trạng thiếu đồ dùng học tập, thiếu giáo viên trầm trọng thì vài năm qua, tình hình đã được cải thiện rõ rệt. Toàn ngành cũng đã có 1.186 nhóm, lớp cơ bản có đồ dùng, đồ chơi thiết bị trong lớp theo quy định.
Phòng học kiên cố được xây mới, nâng cấp theo từng năm. Riêng năm học 2023-2024, Kon Tum đã dành hơn 30 tỉ đồng để xây thêm thêm 20 phòng học, 4 bếp ăn, 13 phòng chức năng và 18 công trình khác.
Để có được kết quả vượt bậc này, theo bà Vân ngành giáo dục đã tham mưu cho tỉnh và các huyện, thành phố đều dành nguồn lực cho cơ sở giáo dục mầm non công lập, đặc biệt là tại các xã đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập cũng luôn được ưu tiên. Từng năm các trường xuống cấp được cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất; bổ sung đồ chơi, học liệu đảm bảo số lượng và chất lượng.
Đổi mới mạnh mẽ giáo dục tiểu học
Nhận thấy bối cảnh và xu thế của giáo dục tiểu học hiện nay đòi hỏi tư duy sáng tạo, liên tục đổi mới nên Phòng Giáo dục tiểu học - Mần non đã tham mưu cho cấp trên cùng các địa phương đốc thúc các trường chuyển động để theo kịp xu thế.
Theo bà Vân, hiện kho học liệu số đã được Sở GD-ĐT Kon Tum đầu tư bài bản với 2.508 bài giảng dành cho cấp tiểu học gồm các môn học và hoat động giáo dục cùng 167 đồ dùng dạy, học liệu số. Đây là một nền tảng mở, phục vụ hữu ích cho dạy và học nên việc khuyến khích, hỗ trợ các thầy cô giáo duy trì, nâng cao hiệu quả sử dụng được làm thường xuyên.
Hiện nay, Sở GD-ĐT Kon Tum thường xuyên hướng dẫn, tập huấn để nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong hoạt động dạy, học cho giáo viên và học sinh.
Bà Huỳnh Thị Thu Vân
Tình trạng thiếu giáo viên lẫn cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học diễn ra gay gắt ở giáo dục mầm non, nhưng bằng nỗ lực rất lớn cùng nhiều giải pháp nên hiện nay các chỉ tiêu về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số đã cơ bản tiệm cận với mục tiêu đề ra. Trong khi đó giáo dục tiểu học cũng chứng kiến nỗ lực rất lớn trong đổi mới quản trị nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học đảm bảo định hướng và phù hợp thực tế địa phương
"Tin học đã thành môn bắt buộc đối với lớp 3, lớp 4. Tuy nhiên khó khăn là nhiều nơi vẫn chưa có phòng máy. Khai thác thiết bị dùng chung liên cấp là sự linh hoạt cần thiết trong bối cảnh cần khắc phục khó khăn để đáp ứng mục tiêu chương trình.
Bên cạnh đó, việc sử dụng hiệu quả máy tính bản trong chương trình 'Sóng vì máy tính cho em' cũng là một nỗ lực kép trong kết nối nguồn lực với quyết tâm cho 'thiết bị ra lớp'.
Cô trò các địa bàn vùng khó khăn đã cùng nhau biến giờ học trở nên sinh động, biến những chiếc máy tính, máy tính bảng trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong đổi mới giáo dục... Các hình thức tổ chức dạy học cũng được đổi mới theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh" - bà Vân cho hay.
Không chỉ chuyển đổi số, áp dụng CNTT vào trường tiểu học, mà vài năm qua Kon Tum cũng ưu tiên tổ chức thực hiện giáo dục STEM để giúp học sinh phát triển năng lực đặc thù như tính toán, khoa học, công nghệ, tin học…
Đặc biệt là đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp, tăng cường tổ chức thực hành trải nghiệm, tích hợp nội dung giáo dục địa phương, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống được triển khai rất tích cực, tạo ra bầu không khí mới trong nhà trường vài năm gần đây.
Trong giai đoạn đổi mới, Sở GD-ĐT Kon Tum đã thành lập tổ phương pháp cấp tỉnh để tư vấn, hỗ trợ thầy cô giáo trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, giáo viên luôn được bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ qua sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường và lan tỏa tinh thần đổi mới một cách mạnh mẽ.
TT - Ngày 31-3, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi trên địa bàn tỉnh Kon Tum.