Theo trang tin Axios, Fidelity ước tính X hiện có giá trị thấp hơn 71,5% so với thời điểm ông Elon Musk mua lại mạng xã hội này.
Vào ngày 14-4-2022, tỉ phú công nghệ Elon Musk đã bỏ ra 44 tỉ USD để mua lại Twitter. Đến cuối tháng 7-2023, ông đổi tên mạng xã hội này thành X.
Sau khi ông Musk tiếp quản X, số lượng người dùng mạng xã hội này hằng tháng trong năm 2022 giảm đến 15% bởi tình trạng ngôn từ kích động và gây thù ghét không ngừng gia tăng. Công ty này cũng vướng vào vô số rắc rối.
Vào tháng 9-2023, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo tỉ phú Elon Musk tìm cách khắc phục tình trạng tin giả tràn lan trên X. EU ghi nhận X có tỉ lệ bài đăng thông tin sai lệch cao nhất trong các mạng xã hội, kế đó là Facebook.
Đến tháng 11-2023, nhiều chính trị gia và người nổi tiếng cáo buộc ông Musk ủng hộ chủ nghĩa bài trừ người Do Thái. Các công ty quảng cáo lớn như Disney và IBM ngay lập tức rút hoạt động khỏi nền tảng này, khiến doanh thu mảng quảng cáo của X thiệt hại đến 75 triệu USD.
Trước đó, X còn phải đương đầu với hàng trăm vụ kiện tụng lớn nhỏ khác nhau. Hầu hết chúng đều liên quan đến các thay đổi do vị tỉ phú 52 tuổi đưa ra cho mạng xã hội này, chẳng hạn như khâu kiểm duyệt nội dung, hệ thống xác minh tích xanh...
Trang Electrek cho biết công ty xe điện Tesla của chính ông Musk phải trả 1.650 USD mỗi tháng để duy trì tài khoản tích xanh - tức là gần 20.000 USD mỗi năm.
Hãng tin Bloomberg còn cho biết Fidelity thường xuyên định giá lại X sau khi ông Musk mua lại. Vào tháng 5-2023, công ty này ước tính X chỉ có trị giá khoảng 15 tỉ USD - bằng 1/3 số tiền 44 tỉ USD mà vị tỉ phú bỏ ra.
Trong khi giá trị của X tuột dốc không phanh thì các “đồng nghiệp” công nghệ của nó như Meta (công ty mẹ của Facebook) hay OpenAI (công ty mẹ của ChatGPT) lại ngày càng khởi sắc.
Sau khi tỉ phú Elon Musk bày tỏ sự ủng hộ với một nội dung bài Do Thái, mạng xã hội X bị hàng chục thương hiệu lớn dừng quảng cáo. Hơn 200 đơn vị quảng cáo cũng dừng hoặc đang xem xét tạm dừng quảng cáo trên X.