Như Thanh Niên đã thông tin, Viện Khoa học giáo dục VN và Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ (NN) quốc gia vừa tổ chức hội thảo công bố báo cáo thường niên về dạy học NN tại VN. Trong phần thảo luận, đại diện Sở GD-ĐT Tiền Giang nêu băn khoăn liệu khi NN trở thành môn thi tự chọn có ảnh hưởng tới việc dạy và học môn học này ở trường phổ thông hay không vì tâm lý chung vẫn là thi sao sẽ học vậy. Đề án NN quốc gia có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này không?
Bà Mai Hữu, Trưởng ban Quản lý Đề án NN quốc gia, nêu quan điểm chính sách này cơ bản có những tác động tích cực, trong đó đi theo xu hướng chung trên thế giới là tăng cường đánh giá vì mục tiêu học tập. Bài thi tốt nghiệp THPT là đánh giá mang tính tổng kết nên sẽ không tác động ngược trở lại với việc dạy học như đánh giá vì mục tiêu dạy học, đánh giá quá trình giảng dạy.
Có thể học sinh (HS) sẽ không chọn NN để thi tốt nghiệp THPT nhưng giáo viên (GV) cũng phải thực hiện việc đánh giá trong từng bài dạy một cách tích cực, hiệu quả hơn nữa để làm sao việc dạy học tốt hơn. Khi thực hiện bài kiểm tra trên diện rộng như kỳ thi quốc gia sẽ rất khó lồng ghép đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nên việc đánh giá năng lực của người học sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, ở lớp, ở trường thì hoàn toàn có thể đánh giá năng lực toàn diện của người học đầy đủ hơn.
Học ở trường khó mà giỏi được !
Ủng hộ việc môn NN không còn là môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT, bạn đọc (BĐ) Jonhbill Trần chia sẻ: "Bây giờ từ vùng sâu, vùng xa tới thành thị, có ai mà không biết tầm quan trọng của NN. Tuy nhiên, chính gánh nặng thi cử khiến HS học đối phó với kỳ thi, học xong không nhớ gì, GV dạy chủ yếu là luyện đề. Có trung tâm NN cũng nghiêng về luyện tủ để thi có chứng chỉ, nhằm lấy uy tín cho trung tâm mình. Bỏ thi bắt buộc NN là đúng".
Đáp lại, BĐ Maibaotoan79 cho rằng: "NN nên là môn bắt buộc. Các chuyên gia ngồi trong phòng máy lạnh cho rằng học NN cần có năng khiếu. Đây là một nhận định rất sai, không khéo khiến HS suy nghĩ lệch lạc và đi lệch hướng, vì bằng chứng 100% người có nhu cầu đi nước ngoài đều học và sử dụng được NN để giao tiếp mà không cần năng khiếu. NN là môn học khó nhưng ai cố gắng đều có thể sử dụng thành thạo, đó là minh chứng học NN không cần có năng khiếu".
Trong khi đó, một GV tiếng Anh lý giải việc tại sao học NN trong trường THPT khó mà giỏi được. Cụ thể, BĐ Hà cho biết: "Tôi là GV tiếng Anh. Học tiếng Anh (hay bất kỳ NN nào) muốn giỏi hết 4 kỹ năng thì yêu cầu đầu tiên là sĩ số lớp chỉ từ 10 - 15 HS thôi, rồi mới nói tới những thứ khác. Sĩ số lớp phổ thông của VN là bao nhiêu? 50, có khi cả 60 HS, còn lớp CĐ, ĐH có khi 70, 80 sinh viên (SV) cùng học một giảng đường (tôi từng dạy một giảng đường 122 SV của nhiều khoa gộp lại) thì học nghe - nói kiểu gì? Đó là lý do tại sao HS, SV VN không nghe nói tiếng Anh được".
Không biết ngoại ngữ thì đi đâu được ?
Không đồng tình với cách nói "bỏ thi môn NN" dễ gây hiểu lầm (hiểu đúng là: môn NN không còn là môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT), BĐ SGGS nói rõ: "Môn tiếng Anh bỏ hồi nào nhỉ? Từ lớp 3 đến lớp 12 vẫn học mà. Ai muốn thi đánh giá năng lực (thi ĐH) thì tiếng Anh là bắt buộc đấy. Tiếng Anh là môn duy nhất bắt buộc phải học tiếp khi bạn lên ĐH. Muốn tốt nghiệp ĐH cũng cần phải có bằng tiếng Anh. Muốn học lên thạc sĩ, tiến sĩ, muốn qua các nước du học cũng phải có bằng tiếng Anh mà?".
Cùng quan điểm, BĐ Trịnh Cường nói thêm: "Học NN là để biết, để có "vốn cho nhiều việc sau này, cần thiết cho các HS". Thi là để kiểm tra xem việc tiếp thu đến mức nào. Học và thi, cả hai đều cần. Ngày xưa còn khuyến khích HS học 2 NN. Hiện nay và nhất là tương lai, quá trình hội nhập được xem là toàn diện, toàn cầu, mà NN yếu kém thì làm sao?".
"Theo tôi, là môn bắt buộc hay môn tự chọn thi tốt nghiệp, thì NN vẫn phải là môn học "không thể thiếu" của bất kỳ HS nào, và đã là HS thì đều phải học giỏi môn này, nhất là kỹ năng nghe - nói. Cứ thử đi du lịch một chuyến, qua Thái Lan cho rẻ chẳng hạn, rồi thấy ngay nếu như bạn không biết tiếng Anh thì khó khăn, bất tiện như thế nào. NN từ lâu đã trở thành "chìa khóa" để ra thế giới, bạn không biết NN thì đi đâu bây giờ? Làm việc trong nước, nhưng nếu bạn biết NN thì cơ hội của bạn sẽ lớn hơn người không biết NN nhiều lắm", BĐ Hung Van Nguyen góp ý.