Trẻ em đeo khẩu trang chơi trò chơi trên điện thoại trong một ngôi nhà ở khu vực đông dân tại thủ đô Jakarta, Indonesia, tháng 4-2020 - Ảnh: Reuters
Mất cha mẹ
Đầu tháng 2, Ủy ban Bảo vệ Trẻ em Indonesia (KPAI) cho biết đã nhận được 6.519 báo cáo liên quan đến việc vi phạm quyền trẻ em trong năm 2020. Theo luật Indonesia, trẻ em là người chưa đủ 18 tuổi.
Theo báo cáo, có khoảng 1.622 trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ qua đời do COVID-19 và phải nhờ người thân chăm sóc.
Ví dụ câu chuyện của nhà cô bé Aisyah, 10 tuổi, ở phía nam thành phố Tangerang, tỉnh Banten, mẹ của Aisyah đã qua đời vì COVID-19 và cô bé từ đó được các nhân viên xã hội chăm sóc.
Anh Ismet sống ở Bandung vừa nhận nuôi đứa con nhỏ của người em gái qua đời vì COVID-19. Người chồng của cô em gái thì thất nghiệp và có xu hướng bạo lực gia đình.
Khi đã hoàn thành thủ tục nhận nuôi, nhân viên xã hội cho biết 2 cháu của Ismet mắc một số dạng chấn thương tâm lý và cần phải có chuyên viên tâm lý hỗ trợ.
Còn ở tỉnh Đông Java, cô Fia phải chăm sóc em gái từ khi người cha của họ mất vì COVID-19 vào tháng 11 năm ngoái, trong khi người mẹ đã mất từ năm 2018.
Fia cũng đang là mẹ của 3 con nhỏ nên việc chăm sóc cho em gái tuy là nên làm nhưng gánh nặng tài chính cũng đang đè nặng lên đôi vai cô mỗi ngày.
Gánh nặng tài chính
Đại dịch đẩy nhiều người trưởng thành ở Indonesia vào hoàn cảnh gặp khó khăn về tài chính và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em. Chưa kể, gánh nặng tài chính có thể dẫn tới vấn đề bạo lực gia đình.
Báo cáo công bố năm ngoái của KPAI cho biết 42,4% các bà mẹ và 32,3% các ông bố nói họ đã có hành vi bạo lực thể xác đối với con mình.
Bà Rut Ida Meliani, 56 tuổi, ngụ Jakarta nói với đài CNA rằng bà từng nghĩ đến việc kết liễu cuộc đời của mình và đứa con tàn tật. Bà Meliani mất chồng hồi tháng 3-2020, hiện phải kinh doanh tại chợ truyền thống, vừa chăm sóc đứa con trai 19 tuổi bị khiếm thị, tự kỷ và hạn chế khả năng giao tiếp.
Meliani đề nghị trường học giúp đỡ bằng cách xin gửi nhờ con trai khi cô ra chợ buôn bán. Trường học từ chối đề nghị này vì con trai cô đã lớn, đồng thời khuyên cô nên thuê một người giúp việc trong khi cô đang ngập trong nợ nần.
Trẻ em chơi đùa trong nước lũ ở thành phố Tangerang, tỉnh Banten, tháng 2-2020 - Ảnh: Reuters
Bất cập học trực tuyến
Ari Santy Purba sống ở Langsa, tỉnh Aceh, cùng đứa con nhỏ kể từ khi chồng cô qua đời vì COVID-19 vào tháng 9 năm ngoái. Con gái của Purba đi học 2 lần/tuần. Dù thấy không đủ nhưng Purba cho rằng được đi học còn hơn không.
Người đứng đầu cơ quan giáo dục thành phố Surabaya, tỉnh Đông Java là Supomo cho rằng tuy học trực tuyến không lý tưởng nhưng là giải pháp tốt nhất hiện tại. Dù vậy, ông Supomo nhận định đại dịch đã làm gián đoạn việc học của trẻ em.
Hai đứa trẻ tự chơi với nhau tại một khu dân cư ở Jakarta, tháng 4-2020 - Ảnh: Reuters
Trong báo cáo của KPAI, khoảng 1.500 trường hợp liên quan đến các quyền đối với giáo dục, chẳng hạn như không có quyền học tập trực tuyến và hạn chế khả năng theo dõi các hoạt động học tập.
COVID-19 ngoài việc ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em trong việc tiếp cận giáo dục đại học cũng như cơ hội việc làm, tình trạng gián đoạn học hành hiện tại cũng có thể khiến trẻ em ít có động lực trở lại trường học.
Điều này có thể gây ra tỉ lệ bỏ học cao hơn, dẫn tới lao động trẻ em và tảo hôn do áp lực kinh tế.
TTO - Đông Nam Á đã nhận được hàng trăm ngàn liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên. Trong đó, Thái Lan trở thành quốc gia mới nhất ở khu vực bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng.
Xem thêm: mth.50251251120301202-hneb-hcid-od-em-ahc-tam-iv-aisenodni-o-ioc-om-hnaht-ert-nagn-gnah/nv.ertiout