740 triệu USD chất bán dẫn đã cập bến Nga
Theo số liệu hải quan Nga được tạp chí Nikkei Asia phân tích, từ ngày 24-2-2022 (ngày Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine) đến 31-12-2022, Nga nhập khẩu 3.292 lô hàng bán dẫn có trị giá trên 100.000 USD/lô.
Trong đó, 2.358 lô hàng (chiếm 70%) đến từ các nhãn hàng Mỹ như Intel, AMD, Texas Instruments... với tổng trị giá giao dịch 740 triệu USD.
Điều này mâu thuẫn với lệnh cấm bán sản phẩm bán dẫn cho Nga, trừ trường hợp vì lý do nhân đạo hoặc một số ngoại lệ đặc biệt, được Chính phủ Mỹ ban hành ngay từ ngày chiến sự ở Ukraine bùng nổ.
Sản phẩm bán dẫn của các công ty này là linh kiện vận hành tối quan trọng trong hệ thống vũ khí tối tân của Nga. Không có chúng, các tên lửa, xe tăng, máy bay Nga sẽ mất tính năng tự hành, radar, nhìn đêm...
Trong số các lô hàng xuất xứ Mỹ được Nga nhập khẩu, có 1.774 lô hàng (chiếm 75%) đến từ Hong Kong và Trung Quốc đại lục, với tổng trị giá lên đến 570 triệu USD, theo điều tra của tạp chí Nikkei Asia.
Con số trên cao gấp 10 lần số liệu cùng kỳ một năm trước đó. Trong năm 2021, Nga chỉ nhập khẩu 230 lô chip Mỹ từ Hong Kong và Trung Quốc đại lục với tổng trị giá 51 triệu USD.
Mỗi sản phẩm nhập vào trị giá 10.000 USD
Bên cạnh số lô hàng tăng vọt, giá trị từng sản phẩm cũng là điểm đáng chú ý. Công ty công nghệ thông tin Agu (Hong Kong) từng xuất khẩu vào Nga lô chip của hãng Intel có giá hơn 10.000 USD/chiếc.
Mức giá cao này phản ánh mức độ tân tiến của các sản phẩm bán dẫn Nga cần.
"Các hệ thống điều khiển tên lửa và hệ thống phòng thủ yêu cầu lượng lớn sản phẩm bán dẫn có hiệu năng xử lý cao" - ông Junichi Nishiyama, nghiên cứu viên cấp cao trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng tại Viện Nghiên cứu kỹ thuật tương lai, giải thích.
Trong số các chip giá trị cao được nhập khẩu vào Nga còn có sản phẩm FPGA của Xilinx - công ty con của hãng AMD và chip tần số radio tối tân của hãng Qorvo. FPGA là loại bo mạch tích hợp chuyên dụng cho tên lửa.
Cách các lô chip Mỹ vẫn cập bến Nga
Theo sổ sách hải quan Nga, hầu hết các lô chip được nhập vào nước này đến từ các công ty vừa và nhỏ.
Từ tháng 9 đến tháng 12-2022, công ty Agu ở Hong Kong đã xuất sang Nga 6 lô chip Intel với tổng trị giá hàng hóa 18,7 triệu USD. Công ty này mới thành lập tháng 4-2022.
DEXP, một công ty Hong Kong từng xuất khẩu sản phẩm bán dẫn cho Nga khác, cũng chỉ mới thành lập năm 2018. Chỉ trong hai tháng 10 và 11-2022, DEXP đã xuất 13 lô hàng vào Nga với tổng trị giá 2,5 triệu USD.
Theo hồ sơ đăng ký kinh doanh ở Hong Kong, công ty này do một người Nga đồng sáng lập. Người này nắm giữ toàn bộ cổ phần công ty cho đến tháng 5-2022.
Chính bản chất thị trường chất bán dẫn toàn cầu đã tạo điều kiện để các lô chip được đưa vào Nga dễ dàng, dù các hãng sản xuất và nhà phân phối chip lớn đều cam kết không vi phạm lệnh cấm vận.
Theo đó, các hãng bán dẫn lớn như Intel và AMD thường ủy thác việc bán sản phẩm cho một số nhà phân phối lớn. Các nhà phân phối này sẽ tuân thủ quy trình KYC (know your client - "thấu hiểu khách hàng") để đảm bảo không vi phạm lệnh cấm vận.
Tuy nhiên, khi nguồn cung thừa thãi và việc giải quyết hàng tồn kho được ưu tiên, số hàng này sẽ đến tay các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ.
Chính quyền Mỹ có thể giám sát nghiêm ngặt các hãng sản xuất chip và các nhà phân phối lớn, nhưng việc theo dõi số lượng quá lớn các đơn vị kinh doanh nhỏ trở nên gần như không thể.
"Có rất nhiều công ty ma hoặc doanh nghiệp thương mại nhỏ ở Hong Kong có thể đóng vai trò trung gian để bán hàng vào Nga. Nếu bị phát hiện làm ăn bất hợp pháp, các công ty này chỉ cần đổi tên để lách luật", một quản lý của Avnet - nhà phân phối chất bán dẫn hàng đầu Mỹ - trả lời phỏng vấn Nikkei Asia.
Tài liệu rò rỉ của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy Ai Cập - đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông - đã bí mật sản xuất 40.000 tên lửa để vận chuyển đến Nga.
Xem thêm: mth.96581756121403202-agn-oav-gnoud-coud-mit-hcal-noul-nav-ym-nad-nab-tahc/nv.ertiout