24 điểm nguy cơ ùn tắc có 4.469 vụ ùn ứ giao thông
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có báo cáo kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2023 và kế hoạch thực hiện trong năm 2024. Trong báo cáo này, sở có nêu về việc xử lý ùn ứ giao thông các điểm nóng kẹt xe.
Qua theo dõi cả năm 2023 tại 24 điểm có nguy cơ ùn tắc ở TP.HCM thì có 4 điểm chuyển biến tốt. 12 điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông vẫn phức tạp. 8 điểm không chuyển biến. Tổng cả năm tại 24 điểm này có 4.469 vụ ùn ứ giao thông.
Cụ thể, 4 điểm có chuyển biến tốt gồm ngã tư Tây Hòa (TP Thủ Đức). Kế đến là giao lộ quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Hai điểm còn lại là giao lộ Nguyễn Thái Sơn - Phạm Ngũ Lão và giao lộ Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị (quận Gò Vấp). Tổng cộng tại 4 điểm có nguy cơ ùn tắc này năm qua chỉ có 24 vụ ùn ứ giao thông.
Có 12 điểm nguy cơ ùn tắc được ghi nhận có chuyển biến nhưng giao thông còn phức tạp. Cụ thể như ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân, Tân Phú). Giao lộ Vĩnh Lộc - Nguyễn Thị Tú - Quách Điêu (huyện Bình Chánh).
Đường Nguyễn Văn Bứa đoạn từ cầu Ông Lớn đến Ngã ba Giồng (huyện Hóc Môn). Giao lộ Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh). Vòng xoay Lăng Cha Cả, giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện ( quận Tân Bình)...
Có 8 điểm nguy cơ ùn tắc nhưng không chuyển biến. Đứng đầu bảng xếp hạng phải kể đến là đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) có 978 vụ. Xếp thứ hai là tại giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) 972 vụ.
Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đoạn từ Bạch Đằng đến ngã 5 Đài liệt Sỹ (quận Bình Thạnh) 787 vụ. Còn đường Trường Chinh đoạn từ Âu Cơ đến đường Tân Kỳ -Tân Quý (quận Tân Bình) có 724 vụ.
Nút giao An Phú (TP Thủ Đức) có 447 vụ. Đường Dương Bá Trạc - khu vực cầu Kênh Xáng (quận 8) 350 vụ. Ngã tư Hàng xanh (quận Bình Thạnh) 201 vụ. Còn đường Nguyễn Thị Định từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái (Thủ Đức) có 158 vụ.
Tiêu chí xác định ùn tắc giao thông ra sao ?
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, đến nay vẫn chưa có bộ tiêu chí xác định ùn tắc giao thông để áp dụng đồng bộ cả nước. Việc xác định tình trạng ùn tắc đang dựa trên tiêu chí ùn tắc kéo dài trên 30 phút. Phương pháp này chủ yếu mang tính chất định tính, chưa phù hợp với tình hình giao thông thực tế trên đường bộ đang khai thác.
Từ năm 2017, TP.HCM theo dõi các thông số của giao thông các khu vực, tuyến đường trọng điểm thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, dữ liệu về vận tốc từ thiết bị giám sát hành trình (hơn 60.000 xe buýt, xe taxi, xe kinh doanh vận tải…).
Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá tình hình giao thông trên cơ sở khoa học, có định lượng các thông số cơ bản của dòng xe lưu thông như vận tốc dòng xe, chiều dài hàng đợi, lưu lượng, mật độ,
Từ đó, TP.HCM đã nghiên cứu bộ tiêu chí về ùn tắc giao thông. Theo đó, có 3 tiêu chí để xác định tình trạng ùn tắc. Đầu tiên là vận tốc trung bình dòng xe ≤ 5 km/h (thấp hơn vận tốc của người đi bộ). Tình trạng kéo dài trong thời gian trên 30 phút. Cuối cùng là chiều dài dòng xe kéo dài từ 200-300m.
Tháng 4-2017, trong khi chờ ban hành bộ tiêu chí xác định ùn tắc giao thông để áp dụng đồng bộ cả nước, TP.HCM đã đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho áp dụng tạm bộ tiêu chí xác định tình trạng ùn tắc mà địa phương đã xây dựng. Đến nay, TP.HCM vẫn đang đánh giá tình trạng ùn tắc thông qua các tiêu chí đã xây dựng.
Bộ tiêu chí dựa trên cơ sở khoa học để xác định chính xác tình trạng ùn tắc giao thông trên TP là cần thiết nhằm phục vụ công tác tổ chức giao thông cũng như công tác hoạch định các chính sách về quản lý và điều hành giao thông đô thị.
Mới đây, Phòng CSGT TP.HCM báo cáo năm 2023 chỉ xảy ra một vụ ùn ứ giao thông. Tuy nhiên trong một báo cáo khác, tính đến tháng 9 đã xảy ra 4 vụ ùn ứ ở khu vực cảng Cát Lái, Phú Hữu.