Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt bãi rác có đường kính 5-10m bốc mùi hôi thối, khiến người đi đường phải bịt mũi khi đi qua khu vực này. Có bãi rác chất đống cao 0,5-1m.
Rác thải tại khu vực này đa phần là rác hữu cơ, nhựa, túi ni lông được chất thành đống. Dọc đường Mạc Đĩnh Chi (khu vực đối diện cổng ký túc xá khu B - Đại học Quốc gia TP.HCM), tình trạng rác thải giấy, túi ni lông, hộp xốp… bao phủ lên cả bãi cỏ dù có thùng rác kế bên.
Rác thải không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, vẻ mỹ quan mà còn là điều kiện sống thuận lợi cho các loài côn trùng gây hại. Bạn T.T.H. (sinh viên ở ký túc xá) cho biết nhiều lần ra ngoài ăn uống gần ký túc xá thấy ruồi, muỗi bay rất nhiều.
“Tôi thấy phòng ở ký túc xá cũng nhiều muỗi hơn trước, đặc biệt còn có kiến ba khoang nữa. Tôi và các bạn đã từng bị kiến cắn, phải tốn tiền mua thuốc điều trị nên rất phiền khi lại thấy chúng xuất hiện trong phòng”, H. bày tỏ.
Ông Trịnh Tấn Hoài - giám đốc Trung tâm Quản lý và Phát triển khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết đã phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết tình trạng này.
Theo đó, trung tâm cùng với UBND phường Đông Hòa (TP Dĩ An, Bình Dương) nhiều lần lập biên bản để xử lý vi phạm nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm những bãi rác tự phát. Dù có biển báo cấm đổ rác và camera giám sát nhưng vẫn không thể xử lý hết tất cả các vi phạm.
“Nguyên nhân chính vẫn là ở ý thức của người dân, nhiều người dân xung quanh thấy bãi rác cũng tiện tay vứt rác thải sinh hoạt tứ tung, thêm vào đó là các xe hàng rong, bán hàng vỉa hè trong khu vực cũng góp phần trong việc hình thành các bãi rác tự phát này”, ông Hoài chia sẻ.
Đại diện UBND phường Đông Hòa cho biết sẽ phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường để chỉ đạo kiểm tra, giải quyết tình trạng trên, sau khi giải quyết sẽ tiếp tục thông tin.
Rác thải ùn ứ trong thời gian dài không được vận chuyển đi xử lý kịp thời đã khiến một số điểm tập kết rác biến thành bãi rác ở ngoại thành Hà Nội.