Cụ thể, theo thông tư mới, hiệu trưởng trường phổ thông/giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên quyết định thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa với số thành viên là số lẻ, tối thiểu có 11 người.
Trường hợp trường có quy mô dưới 10 lớp thì thành viên hội đồng tối thiểu là 5 người.
Thành phần hội đồng chọn sách giáo khoa là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu nhà trường hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn, đại diện cha mẹ học sinh.
Người có cha mẹ ruột hoặc cha mẹ vợ, có anh em ruột hoặc anh em vợ tham gia biên soạn sách giáo khoa sẽ không được chọn vào hội đồng chọn sách giáo khoa...
Giao về cho các trường là phù hợp
Đứng về số đông bạn đọc ủng hộ việc để các trường tự quyết, bạn đọc Lê Tuấn Vinh nêu ý kiến: "Hơn ai hết, đội ngũ giáo viên trực tiếp dạy học có đủ khả năng lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh của mình. Vì vậy, tôi rất tán thành khi để thầy cô giáo có quyền chọn sách và họ có thể chịu trách nhiệm".
Cùng quan điểm, bạn đọc Minh Chánh bổ sung: "Lẽ ra việc để nhà trường tự quyết phải làm sớm hơn. Để đến 4 năm, 3 lần thay đổi là quá lãng phí. Tuy nhiên, dù muộn vẫn còn hơn không. Tôi ủng hộ việc để cho các trường tự quyết chọn sách giáo khoa cho học sinh của mình".
Bạn đọc Dang Thao dè chừng: "Chỉ sợ sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng. Cuối cùng thì học sinh gánh hậu quả".
Cùng quan điểm, bạn đọc Toan Phung viết: "Để tiết kiệm chi phí cho phụ huynh học sinh, đề nghị nhà trường cho học sinh mượn sách học, đến cuối năm sẽ trả lại cho trường"!
Góp ý để chọn sách giáo khoa đạt kết quả
Ngoài việc ủng hộ việc giao cho nhà trường tự quyết, một số bạn đọc còn góp ý để việc đổi mới này đạt hiệu quả, phù hợp trong tình hình mới.
Bạn đọc Oanh đề nghị: "Ít nhất nên quy định 5 hoặc 10 năm mới thay đổi nâng cấp 1 lần. Sách giáo khoa là sách phổ cập cả nước, dùng 1 bộ để thống nhất, tránh lãng phí".
Góp thêm góc nhìn, bạn đọc Lan Anh nêu ý kiến: "Một vấn đề cũng cần lưu ý là để góp phần giải quyết tình trạng xuống cấp của đạo đức xã hội, tình trạng các trường nước ngoài không dạy các môn văn hóa Việt Nam cho học sinh".
Và theo bạn đọc này thì: "Tuy các trường được tự do chọn lựa sách giáo khoa nhưng cần yêu cầu cả các trường có yếu tố nước ngoài.
Trường học tư thục vẫn phải dạy các bài học bắt buộc được Nhà nước tuyển chọn kỹ lưỡng về nội dung: là lịch sử Việt Nam, văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam, tình yêu thương con người, lễ nghĩa và truyền thống yêu nước của người Việt Nam".
Với mong muốn thay đổi để đạt kết quả, bạn đọc địa chỉ email msha****@gmail.com góp thêm: "Quý tinh bất quý đa. Giáo dục còn thiếu sót kỹ năng sống như:
- Không dạy bơi phổ cập bắt buộc.
- Không dạy kỹ năng ứng phó sự cố/thảm họa như đuối nước, hỏa hoạn, động đất, sóng thần, mưa dông bão táp, sạt lở...
- Không dạy về cân đối dinh dưỡng, sức khỏe, giữ gìn ngoại hình, vóc dáng.
- Không dạy kỹ năng sinh tồn với thiên nhiên.
- Không giáo dục thể chất tốt để nâng cao tầm vóc người Việt".
Và theo bạn đọc địa chỉ email msha****@gmail.com, hy vọng bộ sách giáo khoa được các trường tự chọn sẽ đáp ứng các yếu tố còn thiếu nói trên.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa là thể hiện trách nhiệm của Nhà nước.