Trước đó, bang Alaska (Mỹ) từng thông báo hủy bỏ mùa đánh bắt cua tuyết vào năm 2022 sau khi các nhà khoa học phát hiện khoảng 1 tỉ con cua sinh sống trong khu vực này biến mất một cách bí ẩn.
Kể từ đó đến nay, số lượng cua tuyết vẫn không có dấu hiệu phục hồi. Nhiều đội tàu đánh bắt cua tại bang Alaska đành đưa ra quyết định tạm nghỉ hoặc giải thể.
“Chúng tôi đang cố gắng sinh tồn và tìm cách duy trì hoạt động kinh doanh”, ngư dân tên Gabriel Prout chia sẻ với Đài CBS.
Ông Prout vẫn còn may mắn vì đội tàu của ông đánh bắt được một ít cua hoàng đế - một loại thủy sản nổi tiếng khác của Alaska. Trong khi đó, các ngư dân khác chỉ có thể ngồi ở nhà, không có việc làm lẫn thu nhập.
Ngư dân Joshua Songstad ngậm ngùi: “Thật bất ngờ, giờ tôi chỉ ở nhà, không có thu nhập và nhiều việc để làm”.
Ngành hải sản của Mỹ đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng bởi bang Alaska là nơi sản xuất 60% hải sản của nước Mỹ.
Nhà nghiên cứu Ben Daly cho rằng điều kiện môi trường thay đổi nhanh chóng chính là lý do khiến cua tuyết và cua hoàng đế bỏ đi.
Theo Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA), nhiệt độ của bang Alaska đã tăng lên đáng kể trong những năm vừa qua. Nhiều tỉ tấn băng trong khu vực đã biến mất, làm thay đổi môi trường sống của 2 loại hải sản đặc trưng nói trên.
Các chuyên gia lo ngại việc hoãn đánh bắt sẽ còn tiếp diễn bởi tình trạng biến đổi khí hậu ngày một xấu đi.
“Tôi là ngư dân đời thứ 4. Tôi muốn truyền lại nghề này cho các con nhưng thực tế là chúng tôi đang dần biến mất và nếu mọi chuyện cứ như thế này thì sẽ không còn ai nữa”, ông Songstad nói thêm.
TTO - Số cua tuyết Alaska ở biển Bering đã giảm từ mức khoảng 8 tỉ con vào năm 2018 xuống còn 1 tỉ con vào năm 2021.