Theo các chuyên gia, nhiều thói quen ăn uống lành mạnh có thể giảm nguy cơ tái phát ung thư vú và cải thiện sống còn, đồng thời đảm bảo sức khỏe nói chung.
Điều quan trọng nhất trong lối sống được khuyến cáo ở bệnh nhân ung thư vú là đạt được và duy trì cân nặng hợp lý bằng cách thay đổi chế độ ăn và hoạt động thể chất.
Theo đó, người bệnh sau điều trị cần duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng 18.5 - 24.9; chế độ ăn ít chất béo, nhiều rau xanh, củ quả và ngũ cốc nguyên hạt; duy trì hoạt động thể chất, ví dụ đi bộ 3 - 5 giờ mỗi tuần.
Về dinh dưỡng cho người bệnh sau điều trị ung thư vú, ThS Đặng Thị Vân Anh - khoa xạ 2 Bệnh viện K và bác sĩ Trần Thị Anh Tường - trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - trả lời một số câu hỏi thường gặp cho người bệnh.
Có nên ăn chay sau điều trị ung thư vú?
Theo các bác sĩ, sau khi được chẩn đoán ung thư vú, một số phụ nữ đã chuyển sang chế độ ăn chay. Một số chế độ ăn chay vẫn có ăn các thực phẩm từ sữa, trứng do vậy vẫn đảm bảo đủ protein, tuy nhiên cần chú ý bổ sung thêm sắt.
Để tăng khả năng hấp thu sắt, nên ăn các thực phẩm chứa nhiều sắt kết hợp với thực phẩm chứa vitamin C.
Một số chế độ ăn chay hạn chế cả các thực phẩm từ trứng, sữa thì nên tìm hiểu để bổ sung protein từ các nguồn thức ăn thay thế thịt. Cần chú ý bổ sung các thực phẩm có chứa canxi, kẽm, vitamin B12 như các loại hạt, đậu, đỗ, khoai lang.
Chất xơ có thể bảo vệ cơ thể khỏi ung thư?
Với câu hỏi này, các bác sĩ cho hay hiện có một số bằng chứng chỉ ra rằng chất xơ có thể phòng chống một số loại ung thư.
Tuy nhiên, liệu chất xơ có thể giảm nguy cơ tái phát ung thư vú thì điều này chưa được khẳng định. Nhưng chất xơ cũng đem lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe và được khuyến cáo là một phần của chế độ ăn lành mạnh.
Đậu nành chứa estrogen, vậy có nên sử dụng sau điều trị?
Bác sĩ cho hay các thực phẩm từ đậu nành như hạt đậu tương, đậu phụ, các đồ uống làm từ đậu nành là những thực phẩm tốt cho sức khỏe và có chứa nguồn estrogen từ thực vật.
Ăn các chế phẩm từ đậu nành ngay từ bé có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú. Trong nhiều năm, có sự tranh cãi về việc liệu phụ nữ ung thư vú có nên sử dụng các thực phẩm từ đậu nành.
Những nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng việc sử dụng một lượng vừa phải chế phẩm đậu nành trong bữa ăn (một hoặc hai bữa ăn chế biến từ đậu nành mỗi ngày) là an toàn với bệnh nhân ung thư vú.
Vì vậy, không khuyến cáo kiêng các thực phẩm làm từ đậu nành. Chế độ ăn điều độ, phong phú là tốt nhất cho người bệnh. Tuy nhiên với các thực phẩm chức năng có thành phần từ đậu nành thì bệnh nhân ung thư vú nên tránh.
Có nên sử dụng các chất chống oxy hóa để ngăn chặn ung thư quay trở lại?
Các bác sĩ chỉ rõ các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E, selenium, beta-carotene. Các thực phẩm chức năng có chứa lượng lớn chất chống oxy hóa chưa chứng minh được vai trò giảm nguy cơ tái phát ung thư, hơn nữa có thể gây tác dụng phụ.
Vì vậy khi chưa có bằng chứng khoa học về vai trò của các chất này thì chúng ta nên sử dụng những thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa tự nhiên như rau, hoa quả và ngũ cốc nguyên hạt.
Có phải đường nuôi ung thư?
Các bác sĩ khẳng định "ăn đường là không tốt cho hệ miễn dịch" là một sự hiểu nhầm. Trong điều kiện bình thường, khi cơ thể sử dụng đường sẽ không làm tăng đường huyết do cơ thể tiết insulin để điều hòa lượng đường trong máu, do vậy nó không gây tổn hại cho hệ miễn dịch.
Cả tế bào bình thường và tế bào ung thư đều sử dụng đường là nguồn năng lượng. Tuy nhiên, loại bỏ đường ra khỏi chế độ ăn để chống ung thư là điều không thể. Chế độ ăn khỏe mạnh là chế độ ăn sử dụng nguồn đường tự nhiên có trong hoa quả và ngũ cốc nguyên hạt được khuyên dùng.
Nhiều loại rau quả mà chúng ta vẫn sử dụng thường ngày có khả năng phòng ngừa ung thư khá hữu hiệu với một cơ chế rõ ràng. Vậy chọn loại rau quả gì và ăn như thế nào mới thích hợp?