Động thái chuyển hướng này được người phát ngôn của IDF khẳng định nhằm mục tiêu đề phòng các kịch bản về một cuộc chiến đấu kéo dài suốt năm 2024.
Trong cùng ngày, Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ tuyên bố rút nhóm tấn công tàu sân bay USS Gerald Ford (GRF-CSG) từ bờ biển đông Địa Trung Hải về lại căn cứ Norfolk (bang Virginia).
Giải tỏa 2 áp lực lớn
Hai sự kiện trên đã khiến dư luận trở nên lạc quan hơn về xu hướng xuống thang chiến sự ở tâm điểm Dải Gaza. Xu hướng này lại phù hợp khi các cuộc đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin tiếp theo đang diễn ra và một phái đoàn của Israel được báo cáo đã xuất hiện tại Cairo để đàm phán với đại diện từ phía Hamas cũng trong ngày 1-1.
Tuy nhiên, mọi chuyện đảo chiều ngay vào ngày 2-1 khi Saleh al-Arouri, phó thủ lĩnh lực lượng Hamas và hiện là chỉ huy hàng đầu của phong trào này ở khu vực Bờ Tây, bị sát hại sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào thủ đô Beirut của Lebanon.
Mặc dù phía Israel vẫn phủ nhận trách nhiệm liên quan đến cuộc tấn công, nhưng sự kiện này đã cho thấy những chỉ dấu giúp nhận diện cách tiếp cận mới của chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm "dĩ thoái" ở bắc Dải Gaza để "vi tiến" trên bàn đàm phán Cairo.
Trên thực tế, cuộc chiến trên Dải Gaza không chỉ khiến Israel chịu phí tổn đến 220 triệu USD mỗi ngày mà còn phải huy động đến 10 - 15% lực lượng lao động của nền kinh tế vào 300.000 quân dự bị sẵn sàng tham gia chiến đấu.
Không chỉ vậy, các báo cho thấy có gần 2.189 ứng viên trong các cuộc bầu cử địa phương đang tham gia lực lượng dự bị này, khiến cuộc bầu cử địa phương trên toàn Israel phải hoãn lại đến ngày 27-2 năm nay.
Thêm vào đó, việc giảm quân cũng giúp chính quyền ông Netanyahu giải tỏa hai áp lực rất lớn từ bên ngoài. Thứ nhất chính là sức ép từ phía các đồng minh của họ, đặc biệt là phía Mỹ khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller vào ngày 2-1 vừa chính thức ra thông cáo phản đối các kế hoạch từ nội các thời chiến của Israel nhằm "tái định cư" người Palestine bên ngoài Dải Gaza.
Việc phía Mỹ khẳng định lập trường "rõ ràng, nhất quán và dứt khoát" rằng đất Gaza là của người Palestine cũng trở thành một rào cản nặng nề cho các định hướng của Israel nhằm giữ quyền kiểm soát an ninh Dải Gaza thời hậu chiến.
Thứ hai là sức ép đến từ hồ sơ của Cộng hòa Nam Phi đệ trình Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) cáo buộc Israel gây ra tội ác diệt chủng với người Palestine trong cuộc chiến với phong trào Hamas ở Dải Gaza.
Đại diện Chính phủ Israel dự kiến sẽ có mặt tại phiên bảo vệ đầu tiên vào ngày 12-1 để thực hiện nghĩa vụ thành viên của Công ước chống diệt chủng của Liên Hiệp Quốc, sau khi Nam Phi điều trần hồ sơ cáo buộc của họ vào ngày 11-1.
Từ đánh lớn sang đánh chính xác
Việc rút quân vì vậy không chỉ giúp Israel giải tỏa được áp lực kinh tế bên trong và sức ép dư luận bên ngoài mà còn góp phần giúp IDF củng cố hai nền tảng nhận thức có lợi nhất trên bàn đàm phán ở Cairo.
Thứ nhất chính là tận dụng thiện cảm của dư luận về động thái rút quân để vận động sự ủng hộ quyền kiểm soát của IDF ở các cảng biển trên Dải Gaza. Với mục tiêu ủng hộ lời kêu gọi mở rộng các cơ chế cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, một hành lang Địa Trung Hải dài 370km được IDF đảm bảo an ninh nối liền từ quốc đảo Cộng hòa Síp (Cyprus) trực tiếp đến Gaza mà không cần phải quá cảnh tại Ai Cập hay Israel như trước.
Cả Anh, Pháp, Hy Lạp và Hà Lan đều đang cân nhắc tham gia vào "hành lang nhân đạo" này vì điều đó tương đương với sự mặc nhiên công nhận "thế đã rồi" đối với quyền kiểm soát cảng biển ở Dải Gaza cho phía IDF.
Thứ hai là nỗ lực gia tăng áp lực quân sự ngược lên các phe nhóm Hamas có lập trường đàm phán bất lợi cho Israel ở Cairo.
Mặc dù IDF vẫn chưa thừa nhận trách nhiệm trong sự kiện ông Saleh al-Arouri bị sát hại, nhưng đây là một dấu mốc quan trọng ảnh hưởng đến lập trường của nhóm lãnh đạo "thân Iran" trong Hamas khi các lãnh đạo còn lại của phong trào này thuộc nhóm "thân Qatar" có xu hướng đàm phán cấp tiến hơn khi chấp nhận việc Hamas chuyển giao lại quyền quản trị Dải Gaza cho chính quyền Palestine (PA) thuộc phong trào Fatah ở Bờ Tây.
Và PA cũng được coi là nhân tố "trung tâm" kế hoạch quản trị dân sự Dải Gaza với sự giám sát của IDF được Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đề xuất vào ngày 4-1.
Nhìn chung, nước cờ rút năm lữ đoàn chuyên trách các nhiệm vụ huấn luyện và dự bị ở phía bắc Dải Gaza thực sự là một tính toán cho thấy sự chuyển đổi trọng tâm của chính quyền ông Netanyahu từ đánh mạnh, đánh lớn sang đánh chậm, đánh chính xác và từ đánh trên thực địa Dải Gaza chuyển sang thế trận trên bàn đàm phán Cairo.
Chuyển sang nước cờ này cũng cho thấy phía Israel đang gặp áp lực rất lớn từ cả bên trong lẫn bên ngoài và muốn sớm có một viễn cảnh hậu chiến nhiều lợi thế. Cục diện chiến sự giữa Israel - Hamas chuyển dần thành các chiến lược trên bàn đàm phán sẽ là một diễn biến lạc quan cấp thiết trong bối cảnh thương vong đã quá lớn với người dân Palestine.
Ông Blinken đến Trung Đông
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Tel Aviv trong chuyến công du Trung Đông từ ngày 4-1.
Sự xuất hiện của ông Blinken đang nhằm gia tăng áp lực đến nội các chiến tranh của chính quyền ông Netanyahu phải đảm bảo tăng cường viện trợ nhân đạo và không để người Palestine bị buộc phải di dời khỏi Dải Gaza.
Bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn trong cộng đồng quốc tế, ngày 17-12, Israel tiếp tục các cuộc tấn công chết người vào Dải Gaza.