Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm nhận định như vậy tại hội nghị về kinh tế, xã hội do UBND TP.HCM tổ chức, sáng 6-1.
Ông Lâm cho biết năm 2023, nguồn vốn của ngành giao thông chiếm 60% nguồn vốn toàn TP. Tính riêng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và Ban quản lý đường sắt đô thị TP hơn 40.000 tỉ đồng.
Nếu cộng thêm vốn của các ban quản lý dự án quận, huyện nữa thì khoảng 45.000 tỉ đồng, bằng nửa ngành giao thông cả nước. Đến nay, ngành giao thông giải ngân trên 70%, bằng 2,5 - 3 lần các năm trước.
Theo ông Lâm, trong năm 2024, TP.HCM tập trung cho việc quy hoạch, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch TP, quy hoạch phân khu, quy hoạch các dự án trọng điểm, tránh kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Cùng với đó, đẩy nhanh thực hiện các dự án đường sắt đô thị, sớm hoàn thành đưa vào khai thác tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) từ tháng 7-2024 và khởi công tuyến metro số 2 vào năm 2025.
TP.HCM cũng sẽ tập trung cho hệ thống cao tốc, vành đai 2, vành đai 3 và chuẩn bị hồ sơ khởi công vành đai 4 trong năm 2024. Ngoài ra, TP khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan đến các dự án cao tốc tuyến TP.HCM - Mộc Bài và TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.
Về đường quốc lộ, theo ông Lâm, hiện quốc lộ 50 đang triển khai, 3 tuyến quốc lộ khác là quốc lộ 1, quốc lộ 13 và quốc lộ 22 đã được đưa vào danh mục các dự án triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Ngoài ra, các dự án khác nối trung tâm TP.HCM ra vành đai như cầu đường Bình Tiên, cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Cần Giờ… cũng đã được cân đối vốn, thông qua chủ trương đầu tư.
Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đang được TP.HCM cùng Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh quy hoạch cảng biển Việt Nam và cảng biển nhóm 4.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP cho biết năm 2024, ngành giao thông TP.HCM phấn đấu khởi công 16 công trình, dự án và hoàn thành 38 hạng mục chính hoặc dự án hoàn thành, tập trung các dự án trọng điểm, tháo gỡ các dự án PPP sau kết luận thanh tra, kiểm toán.
Ông Lâm đề xuất các giải pháp khơi thông nguồn lực về vốn và con người cho các tuyến cao tốc, vành đai, đường sắt đô thị. Về vật liệu, ông Lâm cho biết một số dự án trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ đang thiếu cát, hay như vành đai 3 cũng đang chậm một số gói thầu làm đường.
Trong năm 2024, ngành giao thông đưa vào một số dự án thanh tra chất lượng công trình, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý hoạt động xây dựng và điều hành dự án.
Về vốn, theo ông cần huy động từ khai thác quỹ đất gắn với mô hình TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) theo Nghị quyết 98, phát hành trái phiếu. Về nhân lực cần khẩn trương chuẩn bị nhân lực, đặc biệt là nhân sự cho metro, phải đào tạo bồi dưỡng và thu hút ngay trong năm 2024.
“Bài học của Trung Quốc phát triển hạ tầng thành công là có sự chuẩn bị rất sớm về nhân lực, chuyển gia, như chương trình nghìn nhân tài. Bên cạnh đó là tăng cường tổ chức công tác kiểm tra thanh tra để ngăn ngừa phát hiện từ xa từ sớm các sai sót rủi ro” – ông Lâm nói và cho biết năm nay Sở Giao thông vận tải sẽ thanh tra chất lượng xây dựng một số công trình giao thông.
Về công tác đấu và hợp đồng, ông Lâm kiến nghị Sở Kế hoạch – Đầu tư đưa vào chương trình công tác năm 2024 để thực hiện.
5 nhóm giải pháp để đạt 95% giải ngân đầu tư công
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai đã đề xuất năm nhóm giải pháp để đạt được mục tiêu tỉ lệ giải ngân ít nhất từ 95% trở lên.
Theo bà Mai, TP.HCM phải tổ chức nâng cao năng lực, trách nhiệm của các chủ đầu tư, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch địa phương… trong triển khai thực hiện dự án.
Bám sát, giám sát định kỳ, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn của các đơn vị đã lập ra, đánh giá cụ thể tiến độ thực hiện nhiệm vụ theo từng tuần, tháng.
Gắn kết quả giải ngân đầu tư với công tác đánh giá thực hiện nhiệm vụ, thi đua, và công tác cán bộ. Muốn vậy, theo bà Mai, các tổ công tác về đầu tư công của TP không chỉ nhận diện các vướng mắc, mà phải chủ động trực tiếp hơn nữa trong việc tổ chức giải quyết nếu thuộc thẩm quyền.
Đẩy nhanh thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật bằng việc nâng cao trách nhiệm và sự chủ động của các địa phương trong việc vận động, thuyết phục người dân và hoàn tất các thủ tục hành chính theo quy định.
Mặt khác, TP.HCM phải rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trong toàn bộ quy trình thủ tục đầu tư từ lúc bắt đầu đến kết thúc xong dự án.
Các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động hướng dẫn cụ thể cho chủ đầu tư ngay từ giai đoạn lập các hồ sơ, để tránh sửa đổi bổ sung nhiều lần, tiết kiệm nguồn lực thời gian, chi phí.
Ngoài ra, phải linh động trong bố trí, điều chỉnh kế hoạch vốn, kiên quyết cắt giảm vốn các dự án chậm, bổ sung vốn kịp thời cho các dự án triển khai tốt và ưu tiên bố trí vốn các dự án có tác động lan tỏa để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Sau thời gian dài trầm lắng, giao thông TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ được quan tâm đầu tư. Một loạt dự án đang cần bứt phá để hoàn thành.