Có một điểm chung ở kính mắt mà đôi khi chúng ta không mấy để tâm. Dù là chiếc kính râm hợp thời trang của một nhãn hàng xa xỉ hay chiếc kính cận kiểu dáng đơn giản lẫn rẻ tiền hơn, phần lớn sản phẩm kính mắt đều làm từ nhựa. Và dẫu được quảng bá có khả năng tái chế, mỗi năm, hàng triệu cặp kính được sản xuất từ nguyên liệu nhựa nguyên sinh (nguồn gốc hóa thạch) vẫn kết thúc vòng đời ở bãi rác, làm trầm trọng hơn nạn ô nhiễm trên toàn cầu.
Mục tiêu loại bỏ dần thói quen sử dụng vật liệu nhựa đang thúc đẩy nỗ lực sáng tạo của nhiều thương hiệu kính mắt - Nguồn ảnh: Eco Eyewear |
Marchon (trụ sở tại bang New York, Mỹ) - một trong những nhà sản xuất, phân phối kính mắt cao cấp lớn nhất thế giới - hy vọng có thể góp phần chấm dứt thực trạng trên. Thay vì tiếp tục phụ thuộc vào vật liệu nhựa truyền thống, công ty đang cung ứng kính mắt cho Lacoste, Nike, Calvin Klein… quyết định chọn giải pháp mang tính đột phá hơn hẳn.
Chìa khóa đổi mới đến từ thiên nhiên
“Trong vòng vài năm qua, chúng tôi đã phát triển thành công hơn 10 loại chất liệu bền vững. Chúng có nguồn gốc đa dạng: thuần thực vật hoặc được tái chế từ các nguồn rác thải. Nhiều nhà sản xuất khác cũng đang bị hấp dẫn bởi xu thế sử dụng chất liệu thân thiện hơn cho môi trường” - Thomas Burkhardt - Chủ tịch điều hành Marchon - chia sẻ.
Một trong những sáng kiến tâm đắc nhất với đội ngũ nghiên cứu tại Marchon được tạo ra từ dầu của hạt cây thầu dầu - loài thực vật nhiệt đới thường thấy ở Trung Quốc, Ấn Độ có nhiều ứng dụng thú vị trong lĩnh vực y dược và hóa mỹ phẩm. Theo Burkhardt, hoàn toàn có thể khai thác chất liệu thuần thực vật cho sản phẩm kính mắt hiện đại.
Thoạt nhìn, gọng kính râm và kính bảo hộ thể thao với chất liệu cải tiến của thương hiệu Dragon thuộc Marchon có vẻ ngoài không khác các sản phẩm cùng loại làm từ nhựa nguyên sinh phổ biến trên thị trường. Để kiểm tra độ bền vật liệu mới, nhân một chuyến nghỉ mát tới California (Mỹ), Burkhardt thử… ngâm kính râm trong nước biển.
Sản phẩm thuộc thương hiệu Andy Wolf vừa đạt giải “Thiết kế kính mắt của năm” trong sự kiện SILMO d’Or 2023 (Pháp) - lễ trao giải danh giá của thị trường kính mắt thế giới. Chiếc kính có tên Blossom được làm từ chất liệu nhựa axetat cải tiến của Eastman - Nguồn ảnh: Andy Wolf |
“Khi đó, tôi đã hình dung đến tình huống xấu nhất, rằng chiếc kính thành phẩm đầu tiên sẽ không chịu nổi sự ăn mòn của muối biển, chứng tỏ chất liệu chúng tôi phát triển vẫn chưa đủ độ bền. Để thật chắc chắn, tôi bỏ kính vào một xô nước biển và ngâm nó cả đêm. Đã vài năm trôi qua, tôi vẫn đang dùng chiếc kính râm sinh học đời đầu ấy. Nó thậm chí vẫn bền và đẹp như mới” - ông nói.
Được khích lệ, Burkhardt tập trung đầu tư nhiều hơn cho những sản phẩm kính mắt làm từ hạt thầu dầu. Nhóm của ông còn kết hợp chất liệu này cùng một số chất liệu bền vững khác.
Vị doanh nhân kỳ cựu từng làm việc cho P&G và Calvin Klein nhận định: “Không dễ để giới sản xuất cắt đứt hoàn toàn với nhựa ngay lúc này. Muốn thay thế chúng bằng vật liệu cải tiến, chúng ta cần thông qua hệ thống thử nghiệm và xét duyệt nghiêm ngặt, không hề đơn giản như bài kiểm tra với xô nước biển của tôi. Dù vậy, thách thức luôn đi kèm cơ hội nếu bạn biết nắm bắt kịp thời. Làn sóng phát triển các chất liệu thay thế đã bắt đầu dâng cao trong ngành kinh doanh kính mắt 5 năm trở lại đây”.
Khi sinh học và tài chế đồng hành
Để khuyến khích người tiêu dùng chọn các chất liệu thay thế nhựa polyme, vốn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, nhựa axetat sinh học là một giải pháp đầy tiềm năng. Gần đây, nhiều doanh nghiệp từ Á sang Âu đang dần ưa chuộng axetat sinh học - được xem là phiên bản tân tiến hơn hẳn nhựa axetat nguyên thủy, chất liệu cổ điển trong ngành sản xuất kính mắt. Vật liệu này làm từ sợi bông và bột gỗ thuần tự nhiên, 100% có thể tái chế và tự hủy sinh học.
Chất liệu sinh học ở kính mắt Mulberry có nguồn gốc từ sợi bông và bột gỗ thông - Nguồn ảnh: Mulberry |
Năm 2022, nhà sản xuất tròng kính Yuehong Optical của Hồng Kông (Trung Quốc) chính thức ra mắt thị trường châu Á những sản phẩm tròng kính axetat sinh học đầu tiên. Tương tự, cái tên tiên phong khác ở khu vực châu Âu là OJO (trụ sở tại Nicosia, đảo Síp). Sử dụng gọng kính bằng vật liệu sinh học cho dòng sản phẩm thân thiện môi trường, thương hiệu chuyên doanh kính râm ghi nhận nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng.
Tròng kính râm, kính thuốc sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững của De Rigo - công ty lâu đời trụ sở tại Ý - là cái tên nổi bật không kém ở phân khúc cao cấp. Đặc biệt, De Rigo cung ứng những sản phẩm tròng kính có chất liệu bán sinh học độc đáo nguồn gốc từ cây thầu dầu cho không ít nhãn hiệu phụ kiện thời trang sang trọng như Mulberry (Anh), Chopard (Thụy Sĩ)...
“Bền vững đã trở thành xu hướng tất yếu trong nhiều ngành kinh doanh. Nhưng thay vì đơn thuần bắt nhịp cùng thời đại, tôi nghĩ giới doanh nghiệp nên chủ động xây dựng con đường bền vững của riêng họ” - Giovanni Lo Faro - Giám đốc điều hành Eco - chia sẻ. Thành lập năm 2009 tại thành phố New York (Mỹ), Eco là nhà bán lẻ kính mắt hiếm hoi của Mỹ đang dẫn đầu trong việc khai thác các chất liệu bền vững. Hãng nổi tiếng với nhiều bộ sưu tập kính mắt từ vật liệu sinh học, nhựa tái chế và kim loại tái chế.
Marchon phân phối các sản phẩm gọng kính từ hạt thầu dầu cho Dragon - thương hiệu con của họ - và hàng loạt nhãn hiệu phụ kiện tên tuổi khác - Nguồn ảnh: Dragon Alliance |
Thương hiệu của Lo Faro còn ghi điểm bởi nỗ lực bền vững hóa triệt để trong khâu sản xuất, đóng gói lẫn vận chuyển hàng hóa. Năm ngoái, Eco chính thức ra mắt bao đựng kính và túi mua sắm làm từ bột bắp có khả năng tự phân hủy khi trở thành rác thải. Trước tiêu chí bền vững hóa toàn diện, đem lại lợi ích bảo vệ môi trường đúng nghĩa, một số doanh nghiệp còn muốn vươn xa hơn nữa.
Các từ khóa như “vật liệu sinh học”, “tái chế” thu hút người tiêu dùng bởi lợi ích môi trường. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa chúng không có nhược điểm. Dù có tính năng tự phân hủy, chúng vẫn cần một số máy móc phù hợp để nghiền nhỏ và tiêu hủy đúng cách.
Hiểu rằng thị trường kính mắt còn rất thiếu trang thiết bị chuyên dụng như thế, Eastman - công ty hóa chất danh tiếng tại Mỹ - đã có 1 ý tưởng thiết thực. Họ thu mua các loại vật liệu sinh học khó tái chế và xử lý chúng bằng công nghệ tái chế phân tử tinh vi. Không chỉ giúp nhiều đối tác sản xuất giảm gánh nặng rác thải, Eastman còn “tái sinh” vật liệu cũ thành một loại chất liệu nhựa axetat cải tiến độc quyền với những ưu điểm vượt trội.
Công thức axetat cải tiến và nhựa tái chế cải tiến của Eastman được đánh giá cao không chỉ vì giá trị ứng dụng linh hoạt trong thiết kế gọng lẫn tròng kính mà còn nhờ mức giá đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng hiện đại.
Như Ý
Xem thêm: lmth.0929051a-gnuv-neb-yahc-gnod-gnort-tam-hnik/nv.moc.enilnounuhp.www