Trung Quốc ở thời điểm hiện tại gần như thống trị hoàn toàn chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu. Nhờ vậy, họ có thể sản xuất một số lượng lớn xe điện trong thời gian ngắn với mức giá không một hãng xe quốc tế nào rẻ bằng.
Giờ, nhiều hãng xe dẫn đầu trong hạng mục xe điện Trung Quốc đang hướng tầm mắt lên siêu xe và xe thể thao để đánh bóng hình ảnh.
Một trong những mẫu xe thể thao đáng chú ý nhất thuộc diện này tới từ Trung Quốc là GAC Aion Hyper SSR. Ra mắt vào tháng 10-2023, xe có giá khởi điểm 1.286.000 NDT (4,39 tỉ đồng), công suất 1.207 mã lực, mô-men xoắn 1.230Nm và khả năng tăng tốc từ 0 lên 100km/h trong 2,3 giây (1,9 giây nếu chọn bản cao cấp).
Trong khi đó, BYD mở hẳn thương hiệu hạng sang riêng có tên Yangwang với chủ lực U9. Sử dụng 4 mô-tơ chia đều 4 bánh, xe có tổng công suất 1.069 mã lực cho khả năng tăng tốc từ 0 lên 100km/h trong tròn 2 giây. Dòng xe này rẻ hơn siêu xe đồng hương một chút khi chỉ có giá 1 triệu NDT (3,4 tỉ đồng).
Geely - tập đoàn mẹ của Volvo - cũng tham dự sân chơi xe hiệu suất cao với Zeekr 001 FR. Dòng xe này đang được phát triển với sự trợ giúp kỹ thuật của cựu tay đua F1 danh tiếng Kimi Raikkonen. MG từ lâu đã đánh tiếng về xe thể thao "giá rẻ" Cyberster và hiện sắp mở bán rộng rãi.
Nikkei Asia - tuần báo kinh tế danh tiếng từ Nhật - chỉ ra rằng các hãng xe Trung Quốc đang ứng dụng chiến lược giống các hãng xe Nhật thời thập niên 1960. Thời điểm này, các dòng xe phổ thông Nhật bắt đầu trở nên phổ biến và chiếm lĩnh thị phần. Một "biển" xe thể thao được phát triển sau đó để nâng cao hình ảnh thương hiệu cạnh tranh lẫn nhau.
Năm 2023 ghi nhận sự bùng nổ về số lượng mẫu mã xe Trung Quốc được phân phối chính hãng tại Việt Nam.