Sau mấy lần thay đổi, quy định lần này được hy vọng sẽ phát huy sự chủ động của các trường và trung tâm giáo dục thường xuyên trong việc chọn sách giáo khoa.
Trường sẽ chọn bộ sách nào? Vì sao chọn bộ này mà không phải bộ khác? Một bộ sách được chọn vì nội dung hay còn vì điều gì khác nữa?
Cách thức chọn sách giáo khoa hiện tại được nhận định là tạo kẽ hở có thể dẫn tới trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị cung ứng sách giáo khoa.
Khi quyền chọn sách được giao về tận trường, liệu có tránh được những hạn chế này? Và các trường phát huy sự chủ động chọn lựa và tự chịu trách nhiệm của mình đến đâu? Điều này liệu sẽ hạn chế được tình trạng chậm cung ứng sách giáo khoa mỗi đầu năm học mới?
Những phụ huynh có hơn 10 năm mua sách giáo khoa cho hai con của mình đều thấy rõ rằng thời chỉ có một bộ sách việc mua sách giáo khoa đơn giản và nhanh chóng hơn hiện nay.
Giờ muốn mua đúng bộ sách giáo khoa cho con thì nên mua ở trường con đang học và thực tế là khai giảng rồi vẫn còn thiếu sách, bên ngoài có bán nhưng trong trường thì sách chưa về.
Đó là thực tế cả tỉnh (thành) chọn sách giống nhau. Mai này mỗi trường mỗi khác nhau liệu việc phát hành sẽ được nhanh chóng hơn?
Việc dạy và học cũng như thi kiểm tra ở trường học hiện nay cho thấy thực tế thầy cô và học sinh vẫn bám theo sách giáo khoa, kể cả việc ra đề kiểm tra. Việc chọn một bộ sách giáo khoa cho trường mình cần bản lĩnh chuyên môn của ê kíp chọn sách, trong đó quan trọng nhất vẫn là vai trò và trách nhiệm của hiệu trưởng.
Điều này có thể dẫn đến nhiều điều đáng lo trước. Các thành viên tham gia chọn sách có điều kiện nghiên cứu nhiều bộ sách để cân nhắc chọn bộ nào không, hay vẫn quyết định theo ý của ai đó? Khi hiệu trưởng đã chọn, giáo viên đứng lớp có thể có ý kiến khác không?
Các trường có nhìn nhau khi chọn sách không khi các kỳ thi quan trọng hiện nay vẫn được ra đề chung (ít nhất trong mỗi quận huyện)? Và làm sao để đảm bảo cấp trường không bị áp lực từ cấp trên trong sự chọn lựa sách.
Tôi không dám bàn đến chuyện mỗi giáo viên và học sinh được quyền chọn sách, điều này nghe hay thì thật là hay nhưng nếu áp dụng sẽ rất rối. Càng nhiều người có ý kiến, càng nhiều bộ sách giáo khoa để chọn lại sinh ra nhiều ý kiến trái chiều.
Quy định hiệu trưởng/giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ phải chịu trách nhiệm về việc triển khai và giải trình về việc lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở sẽ là một áp lực không nhỏ.
Nhất là khi việc chọn bộ sách giáo khoa nào không đơn giản về chuyên môn, đi cùng với mỗi sự lựa chọn còn có các kiểu chiết khấu và các lợi ích khác.
Học sinh có thể đăng ký sớm (mua ở trường) hoặc ra ngoài mua và nhận sách sớm trong hè để thôi cảnh chạy ngược chạy xuôi đi mua sách vào đầu năm học mới.
Nhiều bạn đọc cho rằng thông tư quy định việc để nhà trường có quyền chọn sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành là hợp lý. Một số ý kiến khác góp ý để việc tự quyết này đạt kết quả.