Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thông tư 28/2023/TT-BGDĐT, kèm quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12-2, áp dụng đối với các khóa tuyển sinh hình thức đào tạo từ xa trình độ đại học sau ngày thông tư này có hiệu lực thi hành.
Yêu cầu tối thiểu để thực hiện đào tạo từ xa
Theo thông tư này, đào tạo từ xa được xác định là hình thức đào tạo có 50% tổng khối lượng của chương trình đào tạo trở lên được thực hiện theo một hoặc kết hợp giữa phương thức đào tạo từ xa mạng máy tính và viễn thông, thư tín, phát thanh - truyền hình.
Cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo từ xa đối với những ngành đã có quyết định mở ngành đào tạo và đã tuyển sinh tối thiểu 3 khóa liên tục theo hình thức chính quy.
Điểm khác biệt lớn nhất so với thông tư năm 2017, quy chế lần này quy định không thực hiện đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên.
Về đội ngũ giảng viên, tối đa 30% khối lượng chương trình đào tạo từ xa được thực hiện bởi giảng viên thỉnh giảng; và được tăng lên tối đa 50% khi và chỉ khi giảng viên thỉnh giảng là giảng viên cơ hữu của cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định, thực hiện trên 20% khối lượng chương trình đào tạo từ xa.
Tổng thời gian đào tạo từ xa không ngắn hơn đào tạo chính quy
Quy chế cũng nêu rõ chương trình đào tạo từ xa có kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa theo các tiến độ học tập khác nhau để định hướng cho người học, trong đó tổng thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa không ngắn hơn so với đào tạo chính quy.
Đối với người học liên thông đã được miễn trừ khối lượng tín chỉ tích lũy, thời gian tối đa để người học hoàn thành khóa học được xác định trên cơ sở thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa giảm tương ứng với khối lượng được miễn trừ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu chương trình đào tạo từ xa phải được công khai đối với người học trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho người học.
Hoạt động giảng dạy, học tập được thực hiện tại cơ sở đào tạo
Hoạt động giảng dạy, học tập được thực hiện tại cơ sở đào tạo, phân hiệu hoặc cơ sở phối hợp đào tạo; riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế, tự học, tự nghiên cứu và giảng dạy trực tuyến có thể được tổ chức ở ngoài cơ sở đào tạo, phân hiệu hoặc tại cơ sở phối hợp đào tạo.
Quy chế cũng yêu cầu cơ sở đào tạo có trách nhiệm tăng cường liêm chính học thuật; giám sát và kiểm soát việc chống sao chép; bảo đảm tính trung thực của nội dung tiểu luận, đồ án, khóa luận và những báo cáo chuyên đề khác; xây dựng chế tài, nghiêm túc xử lý khi có vi phạm;
Quy chế này không áp dụng đối với việc tổ chức đào tạo những chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp văn bằng (bao gồm cả các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục).
TTO - Hướng tới mục tiêu 100% cơ sở giáo dục đại học được kiểm định chất lượng vào năm 2020, Bộ GD-ĐT đang xây dựng 'bộ tiêu chuẩn kiểm định' để kiểm định chương trình đào tạo từ xa, liên kết đào tạo...