Và bé mèo mướp thân thiện biết canh trộm như chó... Đó là những câu chuyện nho nhỏ mà ngộ nghĩnh, vui vẻ, dễ thương giữa dòng đời đầy áp lực.
Sinh trong mùa dịch và được bác sĩ Nguyễn Thành Tâm (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) đón về Bệnh viện dã chiến số 1 lúc hơn 2 tháng tuổi, hoàn cảnh này đã mang đến cho Đậu - chú chó giống Golden - một cuộc đời đặc biệt.
Chú chó 2 tháng tuổi ở bệnh viện dã chiến
"Tổng thời gian tôi đi chống dịch là một năm, từ 26-6-2021 đến 26-6-2022, Đậu đã theo tôi suốt, cùng tôi lần lượt đi qua ba bệnh viện dã chiến: số 1, số 13 và số 14", anh Tâm bắt đầu câu chuyện. Chàng bác sĩ này không chỉ được biết đến bởi sự tận tâm công việc, mà anh còn "nổi tiếng" bởi bên cạnh lúc nào cũng có chú chó Đậu đáng yêu.
Tự nhận mình là người yêu động vật, đặc biệt là chó, nên khi thấy một đồng nghiệp đăng ảnh các chú Golden trên mạng xã hội, anh Tâm đã ngay lập tức liên hệ để "chia" lại một chú.
"Tôi còn nhớ hôm đó là ngày 22-6-2021, lúc này Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đang thời gian phong tỏa. Tôi định khi "dở" phong tỏa thì sẽ đón Đậu về nhà nuôi.
Nhưng tình hình dịch gia tăng dữ dội, đến ngày 26-6-2021 tôi được điều động đến công tác tại Bệnh viện dã chiến số 1 tại Làng đại học Quốc gia TP.HCM. Tôi đành nhờ anh bạn đồng nghiệp đó giữ Đậu thêm vài ngày", anh Tâm cười kể lại.
Nói là vài ngày nhưng mãi đến ngày 3-8-2021 Đậu mới được bác sĩ Tâm đến đón nhưng là đón về Bệnh viện dã chiến số 1. Thời điểm đó, mang theo một chú chó vào bệnh viện dã chiến là việc chưa từng có trong tiền lệ, nhưng cũng vì vậy Đậu đã có một cuộc đời đặc biệt.
"Ban đầu tôi cũng lo, vì công việc tôi rất nhiều, sợ không thời gian chăm sóc Đậu, lại sợ Đậu đi mất. Nhưng khi Đậu xuống đó rồi thì anh em nhân viên y tế và các tình nguyện viên rất thích Đậu.
Giữa căng thẳng dịch bệnh lại xuất hiện chú chó dễ thương thì ai cũng yêu mến hết. Một số bạn còn ví von Đậu là linh vật mang lại niềm vui và may mắn cho mọi người", anh Tâm nói.
Trước đó, Đậu đã được tiêm phòng đầy đủ, rồi được anh Tâm và các anh chị nhân viên y tế nuôi giữ cẩn thận.
Tuy nhiên, các loại thú cưng nói chung, đặc biệt là các giống chó lớn như Golden, Alaska, Becgie, Rotweiller... thời kỳ từ 3-6 tháng tuổi là giai đoạn dậy thì cần chế độ dinh dưỡng riêng để phát triển khỏe mạnh, bình thường.
Bởi vậy khi mang Đậu cùng đi chống dịch, với điều kiện đi lại và thực phẩm hạn chế, anh Tâm rất lo lắng Đậu sẽ gặp vấn đề về dinh dưỡng, thể chất. Và điều đó đã xảy ra.
"Ngày 20-9-2021, tôi được điều về Bệnh viện dã chiến số 13 thì cũng là lúc Đậu bị suy dinh dưỡng, thiếu canxi làm hai chân sau không đứng lên được, chỉ nằm một chỗ, nhìn rất tội", bác sĩ Tâm xót xa nhớ lại.
"Hầu hết những người nuôi chó như tôi đều biết tụt canxi là một trong những bệnh lý xương khớp thường gặp ở chó, bệnh này tuy không ảnh hưởng tính mạng nhưng việc đi lại của chó trở nên khó khăn.
Lúc qua Bệnh viện dã chiến số 13, Đậu đã gần 3 tháng tuổi. Nếu tình trạng này cứ kéo dài đến 6 tháng tuổi, tức là hết giai đoạn dậy thì, có thể hai chân sau Đậu sẽ liệt mãi mãi!", anh Lê Phúc Thành, tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến số 13 và cũng là người đầu tiên phát hiện tình trạng bệnh của Đậu, cho hay.
Khi tình hình dịch COVID-19 cơ bản đã giảm, anh Thành sắp xếp thời gian và tìm cách đưa Đậu đến cơ sở thú y ở ngoại thành để điều trị. May mắn Đậu đã thoát khỏi nguy cơ liệt hai chân sau. Hiện tại chú chó đã đi lại bình thường, khỏe mạnh và vô cùng năng động.
Chan chứa nghĩa tình
Hơn hai năm đã qua kể từ thời điểm đỉnh dịch bùng phát, cuộc sống bây giờ đã trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, ký ức tháng ngày chống dịch đầy hiểm nguy, gian lao dường như vẫn còn mới.
Trong trí nhớ của bác sĩ Tâm, hình ảnh chú chó xuất hiện giữa mùa dịch và đã được mọi người yêu mến thế nào, thậm chí lúc Đậu phát bệnh, mọi người đã tận tình tìm cách cứu chữa ra sao vẫn còn nguyên vẹn.
"Mỗi sáng khi tôi và các bác sĩ họp giao ban bệnh viện, môi trường dã chiến rất thiếu thốn, chỉ một bộ bàn ghế dưới tán cây là đã thành nơi họp. Những lúc như vậy, Đậu nằm dưới gầm bàn, giống như tham gia họp cùng chúng tôi vậy", anh Tâm cười nhớ lại.
"Lúc bác sĩ Tâm mang Đậu đến, mọi người rất vui vẻ đón nhận. Nhờ có Đậu mà tôi và anh em nhân viên y tế đã có nhiều niềm vui và năng lượng tích cực, bù lại những vất vả chống dịch. Chắc đến sau này tôi sẽ không quên Đậu, không quên những ngày tháng đầy khốc liệt nhưng chan chứa nghĩa tình!", anh Thành tâm sự.
Chúng ta đã sống trong những ngày tháng mà sau này sẽ trở thành lịch sử. Đại dịch COVID-19 đi qua, để lại trong mỗi chúng ta những trải nghiệm và chiêm nghiệm khác nhau về cuộc sống, kể cả những khó khăn, mất mát chất chồng.
Trên đỉnh dịch, đã có những nhân cách bị làm mờ bởi đồng tiền, nhưng cũng có những y bác sĩ luôn ngày đêm hết lòng vì đồng bào. Có những quyết định vội vàng làm mất đi cơ hội sống của nhiều chú chó, nhưng cũng những tấm lòng lương thiện đã tìm mọi cách để Đậu được tiếp tục sống khỏe mạnh.
Dù lăn lộn trong môi trường bệnh viện dã chiến suốt một năm trời, chú chó Đậu này lúc nào cũng vô tư, đáng yêu và hạnh phúc, mang lại nhiều năng lượng tích cực cho đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên tham gia chống dịch tại các bệnh viện dã chiến thời điểm đó.
Như bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh (Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương Hà Nội), trong khoảng thời gian tham gia công tác chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 13, đã chia sẻ: "Đậu là thành viên duy nhất không cần đeo khẩu trang mà vẫn hồn nhiên đi lại, hoàn toàn không bị ảnh hưởng bất kỳ điều gì bởi loài vi rút quái ác kia!".
Bây giờ, Đậu đã là một chú chó trưởng thành, khỏe mạnh và năng động, dễ thương. Hằng ngày trước khi đi làm, bác sĩ Tâm đều chuẩn bị đồ ăn sáng cho Đậu, sau đó anh nhờ hàng xóm (cũng là đồng nghiệp của mình) trông coi giúp, nhưng thường thì Đậu sẽ ngoan ngoãn ở nhà chờ anh.
Anh cho biết mãi đến tận bây giờ mọi người vẫn rất yêu mến Đậu, thường xuyên nhắc đến chú chó. "Nói thật chứ Đậu nó nổi tiếng còn lâu dài hơn tôi!", bác sĩ Tâm cười tâm sự.
"50 ngày đủ để khắc sâu kỷ niệm"
Chào Tâm!
Hôm nay là ngày cuối cùng của anh ở Bệnh viện dã chiến số 13 rồi. Anh tan ca trực và về khách sạn để cách ly lúc 8h sáng nay, khi bước chân ra khỏi bệnh viện, mắt anh cay xè, anh đã phải lên xe ngay, vì sợ không cầm lòng được.
50 ngày qua không phải quá dài nhưng cũng là thời gian đủ để khắc sâu những kỷ niệm trong lòng anh. Từ những khó khăn vất vả trong công việc, tới sự ân cần và thân thiện của quân dân Sài Gòn. Anh rất trân trọng và nâng niu tình cảm này.
Đặc biệt, quen biết Tâm và được cùng làm việc với Tâm là một điều rất tuyệt vời với anh. Tâm nhẹ nhàng, chuyên nghiệp, cẩn trọng, chỉn chu và rất tình cảm nữa.
Anh mong rằng chúng ta sẽ luôn giữ liên lạc và còn hội ngộ trong tương lai. Chúc Tâm luôn giữ sức khỏe và bình an. Cho anh gửi cái ôm đến bé Đậu, mong bé sớm khỏe lại!
Sài Gòn, ngày 1-10-2021
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh
(Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương Hà Nội)
-----------------------
"Hôm nay em mèo tên Cá sẽ đi tắm cho mọi người xem nha. Bây giờ giội nước vào xem có ngót đi hẳn không nào, lông có xẹp lại không nào...".
Kỳ tới: Ngôi sao mèo hoang Cá, Cua
Sáng cuối tuần, hàng trăm thú cưng đã được chủ đưa đến ngày hội “Pet Perfect” để giao lưu, thi đấu. Không khí sôi động, vui tươi được tạo nên từ những biểu cảm thật ngộ nghĩnh của các thú cưng.