Kỹ thuật ướp xác lừng danh đã bảo toàn toàn bộ những gì xảy ra bên trong cơ thể thiếu nữ và có thể là nguyên nhân cái chết trẻ. Đó là hai xác ướp bé nhỏ khác bên trong cơ thể cô.
Xác ướp chính được xác định là một thiếu nữ khoảng 14-17 tuổi, sống vào thời kỳ Hậu nguyên của Ai Cập cổ đại (khoảng giữa năm 712 đến 332 trước Công Nguyên), được tìm thấy vào những năm đầu thế kỷ XX.
Theo Live Science, khi mở quan tài vào năm 1908, các nhà khoa học đã phát hiện xác ướp thứ hai: Đó là một thai nhi không nguyên vẹn, được băng bó kín. Ngoài ra, giữa hai chân cô gái có một phần nhau thai.
Các nhà nghiên cứu khi đó đã mổ bụng xác ướp và phát hiện hộp sọ của thai nhi bị mắc kẹt trong ống sinh, điều giúp kết luận thiếu nữ đã qua đời vì một ca sinh khó.
Nhưng phải đến thế kỷ sau, các nhà khoa học mới phát hiện ra bí ẩn thứ hai bên trong ngực thiếu nữ Ai Cập.
Đó là bào thai thứ hai, còn nguyên vẹn, được ướp gián tiếp thông qua quá trình cơ thể của người mẹ được ướp một cách cẩn thận.
Theo Francine Margolis - một nhà khảo cổ tự do ở Mỹ, tác giả chính của nghiên cứu có sự tham gia của Đại học George Washington (GWU - Mỹ) - đây là xác ướp nữ giới mang song thai đầu tiên được phát hiện trên thế giới.
Bài công bố trên tạp chí khoa học International Journal of Osteoarchaeology cho biết trong lần nghiên cứu mới, nhóm khoa học gia Mỹ đã dùng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại để quét xác ướp, nhờ đó phát hiện bào thai thứ hai.
Nguyên nhân của vị trí bí ẩn - trong ngực xác ướp người mẹ - có thể do cơ hoành và một số cấu trúc mềm khác đã dần bị hư hại sau khi cô qua đời, dẫn đến việc xác ướp thai nhi thứ hai không còn được giữ nguyên trong ổ bụng.
Thiếu nữ Ai Cập được xác định chiều cao chỉ 1,52m, nặng khoảng 45-55kg khi còn sống - một kích thước cơ thể nhỏ bé so với người Ai Cập trưởng thành.
Tuổi đời nhỏ, một cơ thể chưa phát triển đầy đủ với xương chậu hẹp, kết hợp với tình trạng song thai được cho là nguyên nhân cái chết khi sinh nở. Cho đến nay, song thai vẫn luôn được coi là thai kỳ có nguy cơ cao.
Phát hiện mới này một lần nữa nhấn mạnh tính khắc nghiệt của các cuộc vượt cạn thời cổ đại, nhất là khi nữ giới thường phải kết hôn, mang thai, sinh nở lúc còn là thiếu nữ, cơ thể chưa phát triển đầy đủ cho mục đích làm mẹ.
Xem thêm: nhc.460153201601042881-uahn-gnort-man-pac-ia-pou-cax-3-neih-tahp-neit-uad-nal/nv.fefac