Những ngày cuối năm, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex) có nhiều câu chuyện vui liên quan đến con tôm mà tôi muốn chia sẻ với mọi người. Doanh thu tháng 12 tăng trưởng góp phần giúp doanh nghiệp cán mốc 200 triệu USD cho cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế dự kiến trên 300 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đề ra.
Các tháng cuối năm khác hẳn giai đoạn đầu năm. Chúng tôi có sự tăng trưởng về mặt doanh số nhờ các hệ thống phân phối tiêu thụ tập kết hàng cho Noel và mừng năm mới. So với năm trước, toàn ngành tôm đã suy giảm doanh số khoảng 20% và ít lợi nhuận hơn, còn chúng tôi chỉ giảm 10% doanh số và có lợi nhuận khá tốt.
Sự nỗ lực không nhỏ này là thành quả không nhỏ của đội ngũ đã liên tục hàng ngày, hàng giờ cố gắng. Cao hơn nữa là lực lượng lao động trên 4.000 người không hề bị cắt giảm và sẽ có cái Tết khá tươm tất, là toàn hệ thống khách hàng tiêu thụ đều vượt qua sóng gió trên nền tảng có sự chia sẻ khó khăn giữa các bên.
Thành quả đáng kể nữa trong năm 2023 mà tôi muốn chia sẻ thêm là Sao Ta nằm trong top 10 doanh nghiệp sản xuất bền vững, đứng vị trí thứ 4 chỉ sau 3 doanh nghiệp FDI.
Không thể tin rằng trong một năm khó khăn như 2023 vừa qua, chúng tôi có thể đạt được từng đó thành tựu. Kể từ cuối năm 2022, tình hình thế giới đã có nhiều khó khăn. Xung đột tại Đông Âu không giảm nhiệt, Trung Đông căng thẳng. Tôm Ecuador tăng trưởng khá mạnh gây áp lực kép phải tiêu thụ giá thấp, người tiêu dùng hưởng lợi, nhưng biết bao người nuôi và doanh nghiệp chế biến phải lao đao.
Trong nước, bệnh TPD trên tôm chưa có phác đồ điều trị, bên cạnh bệnh EHP đang mắc phải gây thiệt hại không ít cho người dân và doanh nghiệp. Giá tôm thấp khiến sức tiêu thụ tôm Việt bị tác động khá mạnh, đa phần các thị trường đều bị giảm sút. Từ quý III, giá tôm thương phẩm trong nước phục hồi nhẹ, nhưng thật ra chỉ do tác động cung cầu trong nước, không phải tín hiệu ấm từ thị trường tiêu thụ.
Chúng tôi quán triệt nội bộ là "khó khăn là bạn đồng hành dài hạn" cho nên không cảm thấy nhiều áp lực. Chúng tôi luôn nhập tâm phải nhận diện khó khăn sớm nhất và chủ động ứng phó kịp thời nhất.
Ví dụ, tình hình lạm phát suy thoái kéo dài thì chuyện phá sản doanh nghiệp là bình thường. Nhận diện rủi ro đó, chúng tôi tập trung bán cho khách hàng nào có khả năng thanh toán nhanh nhất. Nhờ đó, nhiều năm qua chúng tôi không có nợ khó đòi.
Đánh giá về sức cạnh tranh, chúng tôi xác định không thể theo đuổi phân khúc thị phần cho sản phẩm chế biến khá và trung bình ở Mỹ. Bởi vì tôm Ecuador rẻ hơn cả USD và gần Mỹ nên chi phí vận chuyển rất thấp.
Nhận diện tương quan này, Sao Ta chuyển hướng vào thị trường gần và nhất là phát huy được thế mạnh của công ty là chuyên chế biến hàng tỉ mỉ. Qua đó, Sao Ta vượt một đồng nghiệp, trở thành nhà cung ứng tôm Việt lớn nhất ở Nhật Bản.
Chúng tôi đã nỗ lực để vượt dốc thành công, tìm cách ứng xử với các khó khăn trên nền tảng nhận diện rủi ro sớm nhất có thể.
Ngoài khó khăn, tôm Việt trong năm qua cũng có một số điểm sáng nhất định. Trong đó, điểm sáng lớn nhất là tôm Việt giữ được thứ hạng hàng đầu về đẳng cấp chế biến, giữ vững khúc thị phần hàng cao cấp cho mình, thậm chí ở Mỹ. Điểm sáng đáng nói nữa là toàn bộ đội ngũ doanh nghiệp ngành tôm tuy "trầy da sứt trán" nhưng tất cả còn đứng vững, đợi thời giông bão đi qua.
Tôi cho rằng thuận lợi hay khó khăn trong năm 2023-2024 đều giống nhau. Thuận lợi thì ít, khó khăn thì nhiều. Thuận lợi là ngành tôm Việt có bề dày "chinh chiến", có uy tín mức độ nào đó trên thương trường; là sự nhạy bén của đội ngũ doanh nhân ngành tôm; là trình độ chế biến cao…
Khó khăn là sức cạnh tranh về giá quá yếu; là dịch bệnh luôn rình rập tấn công, thậm chí tàn phá ngành nuôi; là chưa có nhiều doanh nhân ngành tôm ý thức phát triển bền vững…
Năm 2024, không ai đánh giá chính xác các xung đột vũ trang đang diễn ra trên thế giới chừng nào lắng dịu hoặc kết thúc. Sự phục hồi của các nền kinh tế lớn còn nhiều giằng co. Điều đó tác động đến khả năng chi tiêu của người tiêu dùng.
Mặt khác, sức cung tôm giá rẻ từ Ecuador chưa giảm nhiệt. Dịch bệnh trên tôm nuôi cũng là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh đầy khó khăn này. Tất cả tạo nên bức tranh ít điểm sáng về tương lai với nhiều ngành hàng, trong đó có ngành tôm.
Theo tôi, năm 2024, ngành tôm Việt nếu giữ được thành quả bằng năm 2023 đã là rất tốt, kịch bản tốt nhất là tăng trưởng 5-10% và rất khó đạt mức cao hơn.
Một điểm đáng lưu ý là sự phân hóa trong cộng đồng doanh nghiệp tôm Việt ngày càng rõ nét. Doanh nghiệp nào hoạt động thiếu ý thức lo cho chiều sâu, đầu tư bền vững sẽ sớm rơi vào khó khăn. Điều này không tạo nên sức mạnh tổng hợp để nâng tầm cho ngành sớm hơn.
Từ trong đại dịch Covid-19, chúng tôi đã kiên trì hoàn thiện mình. Minh chứng là nhà máy mới đi vào hoạt động đầu năm 2023 và vùng nuôi mới 203ha thả nuôi từ cuối quý II/2023 làm nền tảng để công ty xây dựng kế hoạch hoạt động tăng trưởng so năm trước. Tuy không thể thúc đẩy tăng trưởng như ý nhưng qua đó, Sao Ta đã có căn cứ vững vàng và nhanh chóng tăng tốc khi khó khăn đi qua.
Chúng tôi đã "mơ mộng" phác họa trước bức tranh năm mới cho mình, khởi đầu từ năm cũ với cú hích đột phá từ nuôi tôm. Nuôi tôm thành công sẽ giảm giá thành sản phẩm cuối cùng, tăng sức cạnh tranh và tăng trưởng. Chúng tôi nêu ra chỉ tiêu năm 2024 ở hầu hết các lĩnh vực tăng trưởng ít nhất 10% so thành quả năm 2023.
Nội dung: TS Hồ Quốc Lực