Trong bài viết trên Nikkei, cây bút bình luận Hiroyuki Akita cho rằng Ukraine có một vũ khí "không hề bí mật" đang giúp nước này duy trì được lợi thế trong chiến sự.
Đó là một cơ sở hạ tầng tốt cùng với hệ thống chính phủ kỹ thuật số tiên tiến – điều mà nhiều quốc gia có thể học hỏi để ứng phó với những cuộc khủng hoảng tiềm tàng.
Dưới đây là bài phân tích của Akita.
Tuyến đường không bị chia cắt
Vào một đêm tuyết rơi đầu tháng 12, có 40 xe cứu thương trực chờ bên ngoài nhà ga trung tâm ở thủ đô Kiev của Ukraine. Không có dấu hiệu hành khách trong nhà ga vì các lối vào đã bị phong tỏa. Không lâu sau, một đoàn tàu màu xanh lặng lẽ tiến vào, chở thương binh từ mặt trận.
Lần lượt những chiến sĩ bị thương nặng nằm trên cáng được chuyển lên xe cứu thương. Tất cả đèn được tắt để tránh sự phát hiện của Nga. Lịch trình chuyến tàu được giữ bí mật nhưng sự căng thẳng vẫn hiện rõ.
Sau khi những người bị thương rời ga, tôi lên tàu. Bên trong nồng nặc mùi thuốc khử trùng. Chiếc xe được trang bị bình oxy và túi truyền máu. Một chiếc xe khác chở thiết bị được sử dụng trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện. Tôi được biết mỗi xe chở từ năm đến tám người lính.
Oleksandr Pertsovsky, người đứng đầu bộ phận hành khách của dịch vụ Đường sắt Ukraine, từ chối cho biết đoàn tàu xuất phát từ đâu nhưng hé lộ phải mất bảy giờ mới đến được Kiev.
Sau khi cuộc xung đột với Nga nổ ra vào tháng 2/2022, ngành đường sắt quốc doanh buộc phải nhanh chóng thiết lập đội tàu bệnh viện lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ nhất.
Ngay cả khi quân đội Nga kiểm soát 1/5 lãnh thổ, Ukraine vẫn vừa chiến đấu vừa duy trì xã hội vận hành một cách khá ổn định. Điều đó thực hiện được nhờ viện trợ quân sự từ Mỹ và châu Âu cũng như tinh thần cao của binh lính, nhưng còn có một yếu tố quan trọng khác: nền tảng cơ sở hạ tầng xã hội tốt.
Cách đất nước duy trì khả năng phục hồi của hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng mang lại những bài học quý giá cho các quốc gia đang nỗ lực chuẩn bị cho các nguy cơ khủng hoảng và thảm họa trong tương lai.
Trong chiến tranh, đường sắt trở thành huyết mạch vận chuyển người và vật tư, đặc biệt khi các tuyến đường hàng không bị đóng cửa. Ngay sau khi Nga hành động, ngành đường sắt Ukraine cung cấp dịch vụ hành khách miễn phí, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán khỏi vùng chiến sự. Trong tám tháng tiếp theo, hình thức vận chuyển này đã đưa hơn 4 triệu người đến nơi an toàn.
Các chuyến tàu, nhà ga và đường ray đều bị Nga tấn công dữ dội. Công ty đường sắt đã thành lập các đội sửa chữa và cử họ đi khắp đất nước, đảm bảo cho các chuyến tàu chạy hàng ngày.
Pertsovsky cho biết: "Thật không may, đã có nhiều trường hợp cơ sở hạ tầng và nhà ga đường sắt bị nhắm mục tiêu, gây ra nhiều thương tích. Chiến lược của chúng tôi là luôn thay đổi lộ trình, khiến các cuộc tấn công của Nga kém hiệu quả".
Số hóa
Sau khi xung đột nổ ra, hàng triệu người Ukraine đã phải di dời và nhiều giấy tờ tùy thân như hộ chiếu và giấy chứng nhận cư trú bị mất, nhưng hệ thống chính phủ kỹ thuật số của Ukraine đã khiến công chúng vơi bớt sự hoang mang.
Năm 2019, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy thành lập Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số để thúc đẩy xã hội kỹ thuật số, ra mắt hệ thống chính phủ điện tử Diia vào năm 2020.
Sáng kiến này giúp hơn 100 dịch vụ công có thể xử lý thông qua ứng dụng điện thoại thông minh, bao gồm đơn xin hộ chiếu, giấy chứng nhận cư trú, giấy phép lái xe và thậm chí cả trợ cấp sửa chữa nhà.
Khoảng 20 triệu người, gần một nửa dân số, sử dụng hệ thống chính phủ điện tử. Ứng dụng này đơn giản và dễ sử dụng. Ví dụ, chỉ với một cú chạm trên màn hình, nó cho phép người dùng quyên góp giúp quân đội mua máy bay không người lái.
Olexiy Sobolev, Thứ trưởng kinh tế phụ trách phát triển và chuyển đổi kỹ thuật số, cho biết số hóa đã đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của xã hội trong thời chiến.
Sobolev nói: "Chính phủ đang hoạt động nhờ hệ thống phòng không xung quanh thành phố và số hóa. Khi hàng triệu người di chuyển từ phía đông sang phía tây hoặc chuyển ra nước ngoài… họ hầu hết được kết nối với các dịch vụ của chính phủ và có thể sử dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số".
Mstyslav Banik, người đứng đầu Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số, cho biết thêm: "Giấy tờ của nhiều người bị phá hủy nhưng họ vẫn còn giữ chúng trong điện thoại thông minh. Vì vậy, ngay cả khi ra nước ngoài, họ vẫn được phép lái ô tô nhờ các giấy tờ kỹ thuật số".
Nga tiến hành các cuộc tấn công mạng vào Diia để cố gắng xóa dữ liệu của chính phủ và làm tê liệt xã hội Ukraine, nhưng Banik, người phụ trách sự phát triển của Diia, cho biết hệ thống phòng thủ an ninh mạng mạnh mẽ đã giúp hệ thống tiếp tục hoạt động.
Trước đó, quốc hội Ukraine đã thông qua luật cho phép chính phủ chuyển dữ liệu tới các dịch vụ điện toán đám mây ở nước ngoài. Khi chiến sự nổ ra, quá trình này diễn ra rất nhanh chóng.
Bài học cho nhiều quốc gia
Estonia được biết đến là quốc gia tiên phong về chính phủ điện tử ở châu Âu nhưng lại là một quốc gia nhỏ với dân số chỉ khoảng 1,3 triệu người.
Ukraine, với dân số gấp khoảng 30 lần Estonia, đang thu hút sự quan tâm từ Nhật Bản và các nước phương Tây khác muốn tìm hiểu thêm về phát triển hệ thống chính phủ kỹ thuật số tiên tiến.
Kể từ mùa đông năm ngoái, Moscow đã tập trung tấn công vào cơ sở hạ tầng cung cấp điện của Ukraine. Từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023, Nga đã thực hiện hơn 1.200 đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng điện, phá hủy khoảng 50% lưới điện của Ukraine.
Volodymyr Kudrytsky, Giám đốc điều hành lưới điện Ukrenergo, cho biết công ty đã triển khai 70 đội khắc phục trên toàn quốc để tham gia vào công việc sửa chữa rủi ro, khôi phục 90% công suất truyền tải vào tháng 11.
"Tôi không thể đảm bảo rằng sẽ không có thách thức hoặc gián đoạn nguồn điện do các cuộc tấn công. Nhưng tôi có thể đảm bảo dưới sự giám sát của mình, sự sụp đổ hệ thống sẽ không xảy ra", Kudrytsky nói.
Trong cuộc phỏng vấn nhóm với Nikkei và các kênh truyền thông khác vào cuối tháng 11, ông Zelenskyy nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng xã hội, bao gồm cả những cơ sở liên quan đến chăm sóc y tế và viện trợ nhân đạo, trong việc giữ cho xã hội hoạt động trong khủng hoảng.
Khi Nhật Bản cố gắng tăng cường khả năng phòng thủ để chuẩn bị cho nhiều tình huống khẩn cấp tiềm tàng, nước này nên học hỏi kinh nghiệm của Ukraine trong việc củng cố cơ sở hạ tầng ngay cả trong thời bình.
Kudrytsky nói: "Chúng tôi đang làm điều này trong thời chiến. Tuy nhiên, các quốc gia khác có cơ hội tự chuẩn bị trong những hoàn cảnh bình thường hơn, ít vội vã hơn và không có tên lửa bay quanh các cơ sở hạ tầng quan trọng".
Mạnh Kiên