TS Phan Thị Hồng Đức, trưởng khoa nội tuyến vú - tiêu hóa - gan - niệu Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đã cho biết như vậy tại hội thảo "Tiếp cận công nghệ chẩn đoán và điều trị ung thư, nghiên cứu phát triển thuốc điều trị ung thư ở Việt Nam" do Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM tổ chức ngày 8-1.
Dù loại thuốc mới điều trị ung thư vú được đánh giá là có hiệu quả hơn nhiều trong điều trị cho bệnh nhân ung thư vú, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân nhưng do giá thành thuốc cao nên chỉ có ít bệnh nhân được tiếp cận.
Cụ thể, số liệu của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cắt ngang tại thời điểm tháng 12-2023 cho thấy Bệnh viện Ung bướu chỉ có 172 bệnh nhân được sử dụng thuốc ức chế CDK 4/6, trong khi nhu cầu thực tế cao hơn nhiều, vẫn có một số bệnh nhân không có điều kiện để tiếp cận.
"Ung thư vú là một bệnh ung thư thường gặp. Thuốc mới điều trị ung thư vú đã có mặt tại Việt Nam, đem lại kết quả điều trị rất khả quan. Nhưng chi phí điều trị cao vậy ai sẽ chi trả, bảo hiểm y tế hay là người bệnh? Nếu giải quyết được vấn đề này người dân mới có cơ hội tiếp cận với những tiến bộ điều trị trên thế giới" - TS Phạm Xuân Dũng, giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đặt vấn đề.
TS Hồng Đức cho biết ung thư vú có xu hướng gia tăng. Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, số lượng bệnh nhân ung thư vú tăng dần mỗi năm.
Tại Việt Nam, theo thống kê Globocan 2020, số ca mới mắc ung thư ở nữ giới cao nhất là ung thư vú với 21.555 ca/năm, chiếm tỉ lệ 25,5% trong các bệnh ung thư thường gặp, và có khoảng 9.000 ca tử vong trong năm 2020.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 21.555 ca ung thư vú mắc mới, chiếm 25,8% các loại ung thư thường gặp ở nữ giới. Ung thư vú đang có xu hướng trẻ hóa, có nữ giới mắc bệnh mới chỉ 19-20 tuổi.