Dự án khai thác mỏ lớn nhất thế giới trị giá 20 tỷ USD (486.000 tỷ VND), bao gồm phát triển quặng sắt, đường sắt và cảng ở một góc xa xôi của Tây Phi, dự kiến sẽ khởi công trong năm nay sau 27 năm chờ đợi với những thất bại, bê bối và một số sai lầm.
Công ty Rio Tinto niêm yết tại Anh lần đầu nhận được giấy phép thăm dò ở vùng núi Simandou ở phía đông nam Guinea vào năm 1997.
Vào thời điểm đó, Rio Tinto đã phải sáu lần thay giám đốc điều hành, mất một nửa giấy phép, đối đầu với một số đối thủ trên tòa, giải quyết các cáo buộc tham nhũng với chính quyền Mỹ và thậm chí còn tìm cách rút khỏi dự án hoàn toàn.
Cuối cùng, vào năm 2024, một khi các đối tác quốc doanh Trung Quốc của Rio Tinto nhận được sự chấp thuận cuối cùng từ Bắc Kinh, công ty khai thác Anh-Úc sẽ có thể triển khai dự án phức tạp nhất trong lịch sử của mình.
Dự án là sự hợp tác giữa Rio Tinto, chính phủ Guinea và ít nhất bảy công ty khác, trong đó có năm công ty từ Trung Quốc, theo Bold Baatar – người chịu trách nhiệm thực hiện các thỏa thuận thương mại phức tạp của dự án.
Rio Tinto sẽ xây dựng một mỏ quặng sắt – được gọi là dự án Simfer, bằng việc hợp tác với một liên danh do nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới là Chinalco dẫn đầu.
Mỏ thứ hai – được gọi là dự án WCS, sẽ được xây dựng bởi nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới Baowu và hợp tác với một liên danh do Tập đoàn Winning International có trụ sở tại Singapore dẫn đầu.
Đồng thời, các bên sẽ cùng triển khai vốn xây dựng tuyến đường sắt dài 552km chạy vòng qua vùng núi của Guinea ra biển và phát triển một cảng nước sâu trên bờ biển Đại Tây Dương.
Rio Tinto và tập đoàn Chinalco cũng sẽ bỏ tiền để xây dựng một tuyến đường sắt dài 70km để kết nối mỏ của họ với tuyến đường chính. Trong đó, Rio Tinto sẽ bỏ ra khoảng 6,2 tỷ USD.
Bảy năm trước, sau hàng loạt vấn đề, Rio Tinto đã tìm cách rút khỏi dự án, đồng ý bán cổ phần của mình cho Chinalco với giá lên tới 1,3 tỷ USD. Trung Quốc khi đó không phê duyệt thỏa thuận này và dự án do đó vẫn nằm trên giấy.
Theo Baatar, sự khác biệt giữa năm 2016 và ngày nay là quặng cao cấp của Simandou thậm chí còn hấp dẫn hơn trong bối cảnh nhu cầu sản xuất thép khử cacbon tăng cao.
“Sự thay đổi cơ bản trong những năm qua là thế giới đã đồng thuận nhiều hơn về vấn đề biến đổi khí hậu”, ông nói.
Để sản xuất thép thường sử dụng than cốc để sản xuất sắt từ quặng trong lò cao và sau đó biến nó thành thép. Quá trình này tạo ra khoảng 8% lượng khí thải carbon toàn cầu.
Để cắt giảm lượng khí thải, ngành công nghiệp này đang tìm các phương pháp thay thế, chẳng hạn như công nghệ khử sắt trực tiếp (quặng được xử lý bằng hydro và carbon monoxide thay vì than cốc). Những quá trình như vậy đòi hỏi quặng sắt chất lượng cao – vốn ngày càng khó tìm với số lượng lớn.
Mỏ mà Rio Tinto có kế hoạch khai thác từ Simandou có hàm lượng sắt trung bình lớn hơn 65%, thuộc hàng cao nhất thế giới. Baatar ví đó là “một bọc trứng sắt” và cho rằng Simandou có tiềm năng giúp quá trình khử cacbon cho ngành thép Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, Trung Quốc đã sản xuất 1 tỷ tấn thép vào năm 2022, chiếm hơn một nửa sản lượng toàn cầu. Nhà sản xuất lớn thứ hai là Ấn Độ khi sản xuất 154 triệu tấn.
Công việc xây dựng dọc theo hành lang đường sắt đã bắt đầu. Và một khi Bắc Kinh chấp thuận khoản đầu tư của Chinalco, Rio Tinto sẽ bắt đầu triển khai xây dựng mỏ. Quặng đầu tiên dự kiến sẽ được xuất khỏi mỏ vào năm 2025, sau đó tăng sản lượng lên 60 triệu tấn mỗi năm vào năm 2028 – tức chiếm khoảng 5% thị trường quặng sắt vận chuyển bằng đường biển toàn cầu.
Theo FT