Khổ sở vì ngạt mũi, đau đầu kéo dài chữa mãi không khỏi
Bà N.T.T. (57 tuổi, Yên Lập, Phú Thọ) bị ngạt mũi, chảy mũi, ho nhiều, đau nhức vùng mặt và đầu kéo dài nhiều năm nay. Người bệnh đã điều trị nội khoa nhiều lần tại các cơ sở y tế gần nhà nhưng không khỏi.
Mệt mỏi vì tình trạng bệnh kéo dài liên tục khiến chất lượng cuộc sống ngày cảm suy giảm, người bệnh đã đến khoa tai mũi họng Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ để thăm khám và điều trị.
Kết quả chẩn đoán cho thấy người bệnh mắc viêm đa xoang mãn tính, nghi ngờ nấm xoang hàm hai bên. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi hàm sàng trán bướm, lấy bỏ khối nấm và dẫn lưu thông thoáng mũi xoang. Sau điều trị 4 ngày, người bệnh hoàn toàn hồi phục, hết chảy mũi, ngạt mũi, ho và đau nhức vùng đầu, mặt.
Tương tự, khoa tai mũi họng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng mới phẫu thuật thành công bệnh nhân mắc nấm trong xoang bướm. Đó là bệnh nhân nữ (65 tuổi) tiền sử khỏe mạnh. Vài tháng gần đây, bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng đau vùng đỉnh đầu bên phải, đau âm ỉ kèm theo thỉnh thoảng khịt khạc đờm về buổi sáng, chóng mặt khi thay đổi tư thế.
Bệnh nhân đã điều trị tại nhiều cơ sở y tế khác, được chẩn đoán đau đầu theo dõi do thiểu năng tuần hoàn não và uống nhiều đơn thuốc mà tình trạng đau đầu không cải thiện.
Kết quả chụp phim cộng hưởng từ sọ não thì không thấy hình ảnh tổn thương bất thường của nhu mô và mạch máu não, tuy nhiên trong lòng xoang bướm phải có hình ảnh khối tròn nhẵn, nằm về thành trong dưới.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính mũi xoang cho thấy hình ảnh khối tròn nhẵn trong lòng xoang bướm tăng tỷ trong lòng, các thành xương xoang bướm không bị ăn mòn. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nấm xoang bướm phải.
Khi phẫu thuật nội soi mở thông xoang bướm, quan sát thấy có khối nấm kích thước 1x1cm giống như "hòn bi", màu nâu đen hình cầu bề mặt nhẵn, cứng chắc. Sau phẫu thuật tình trạng đau đầu và chóng mặt giảm ngay, bệnh nhân được ra viện trong ngày thứ 2 sau mổ.
TS Nguyễn Tài Dũng, phụ trách khoa tai mũi họng Bệnh viện 108, cho biết nấm xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi xoang là chủ yếu, là một trong những tác nhân gây viêm xoang mạn thường gặp nhất.
Nấm trong xoang là sự tích tụ dày đặc không xâm lấn của sợi nấm trong một khoang xoang, thường là xoang hàm sau đó đến xoang bướm. Tỉ lệ mắc bệnh nấm cầu đơn độc trong xoang bướm được báo cáo là từ 8 - 24,7% ở những bệnh nhân mắc nấm cầu trong xoang.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ, lớn tuổi. Triệu chứng thường gặp nhất là đau đầu khu trú ở nhiều vùng khác nhau như ở vùng thái dương hoặc thái dương, sau ổ mắt hoặc quanh ổ mắt, vùng trán, vùng chẩm.
Một số ít bệnh nhân đau đầu lan tỏa. Mặt khác, các triệu chứng ở mũi như ngạt mũi, chảy dịch hoặc thường xuyên khạc đờm, đôi khi mùi hôi xuất hiện với tỉ lệ tương đối thấp nên các bệnh nhân thường đến khám và điều trị tại chuyên khoa nội thần kinh.
Hậu quả khôn lường nếu không được điều trị đúng
Theo TS Nguyễn Tài Dũng, viêm xoang do nấm thường lành tính và ít xâm lấn. Tuy nhiên trong một số ít trường hợp nấm gây xâm lấn và gây nhiều biến chứng nặng nề. Do đó việc nhận biết viêm xoang do nấm không xâm lấn hoặc xâm lấn là rất cần thiết vì cách điều trị và tiên lượng khác nhau đối với mỗi loại.
Viêm xoang do nấm chia thành hai loại là không xâm lấn (u nấm và viêm xoang dị ứng do nấm), xâm lấn (cấp tính, mạn tính, khối u hạt nấm khổng lồ).
"Vì vây, các bệnh nhân có biểu hiện nghẹt mũi, ngứa mũi, chảy mũi nhiều, sốt cao, đau đầu dai dẳng… cần được đến thăm khám và điều trị, tránh bỏ sót tổn thương viêm xoang do nấm nếu có"- bác sĩ Dũng cho lời khuyên.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Luân - khoa liên chuyên khoa tai mũi họng - mắt - răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, viêm xoang do nấm là bệnh viêm xoang mạn tính đặc biệt do vi nấm gây ra.
Bệnh thường có các dấu hiệu như đau đầu, đau mũi, sổ mũi, chảy máu mũi,… khiến nhiều người chủ quan nghĩ rằng chỉ mắc các bệnh hô hấp thông thường nên bỏ qua hoặc không khám đúng chuyên khoa, khiến việc phát hiện và điều trị bệnh trở nên chậm trễ.
"Viêm xoang do nấm nếu không được điều trị đúng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nấm có thể phát triển thành khối choán đầy trong xoang, phá hủy các thành xoang, sau đó xâm lấn vào những cơ quan lân cận như hốc mắt, sọ não.
Nấm xâm nhập vào hốc mắt sẽ làm mắt bị mờ dần và có thể gây mù vĩnh viễn. Nấm có thể gây viêm màng não, viêm não nếu xâm nhập hộp sọ. Còn khi xâm nhập vào các dây thần kinh hoặc mạch máu, chúng có thể gây liệt dây thần kinh và chảy máu ồ ạt dẫn đến tử vong" - bác sĩ Luân nhấn mạnh.
Do đó khi xuất hiện các triệu chứng bất thường ở khu vực mũi, xoang như nhức đầu, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong hay đục, khịt mũi hay khạc đờm có lẫn ít máu, người bệnh nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời, nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm do nấm xoang gây ra.
"Phương pháp phẫu thuật nội soi mở thông xoang bướm là biện pháp điều trị duy nhất. Xoang bướm là một xoang sâu nhất trong các xoang hàm mặt, gần với các cấu trúc quan trọng như nền sọ, động mạch cảnh, thần kinh thị.
Chính vì vậy phẫu thuật nội soi mũi xoang mở thông bướm là rất nguy hiểm nếu không được thực hiện bởi các phẫu thuật viên có kinh nghiệm và tại các cơ sở thiếu trang thiết bị và dụng cụ phẫu thuật hiện đại" - bác sĩ Dũng cho biết.
Trong viêm xoang nhiễm khuẩn có tới 75 - 85% bị viêm hốc mắt. Trẻ bị nhiễm khuẩn hốc mắt do viêm xoang dễ dẫn tới mù lòa.