“Giao để ngân hàng phấn đấu”
Sáng ngày đầu năm mới 2024, tại nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài, hành khách rất thưa thớt. Các cửa hàng cà phê, ăn uống lác đác vài người. Khung cảnh này rất khác so với 5 năm trước, khi đại dịch Covid-19 chưa xảy ra, với những dòng người nườm nượp di chuyển trong kỳ nghỉ lễ.
Tình trạng vắng khách cũng bắt gặp tại một khách sạn 5 sao, có vị trí rất đắc địa tại Cần Thơ trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch. Chị Quỳnh Anh (ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội), chủ một cơ sở kinh doanh có khoảng 20 nhân viên, du khách tới nghỉ dưỡng tại khách sạn này chia sẻ, trước khi đi, đọc những thông tin nhiều người nhiễm bệnh Covid trở lại, chị rất lo lắng về nguy cơ lây bệnh, nhưng thực tế các nơi công cộng như sân bay, khách sạn không đông đúc như trước khiến chị phần nào yên tâm.
Dẫu vậy, chị Quỳnh Anh thừa nhận, việc khách sạn vắng người trong dịp lễ cho thấy kinh tế khó khăn khiến người dân cắt giảm chi tiêu. Chị kể, một người bạn của chị kinh doanh hàng thời trang, lượng bán hàng trong năm sụt giảm thê thảm, “nếu như mọi năm, ghi chép đơn hàng hết 4 - 5 cuốn sổ, thì năm 2023 chỉ ghi hết chừng hơn nửa cuốn”.
Những câu chuyện trên chỉ là góc rất nhỏ trong bức tranh lớn của cộng đồng doanh nghiệp, của nền kinh tế. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2023, cả nước có 201.529 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao gấp 1,2 lần so với bình quân giai đoạn 2018 - 2022. Tuy vậy, cùng thời gian này, có tới 158.763 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 53,8%). Cụ thể, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 11 tháng năm 2023 là 85.434 doanh nghiệp, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 57.157 doanh nghiệp, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2022…
Chẳng hạn tại Hà Tĩnh, thông tin từ Cục Thống kê Hà Tĩnh cho biết, đã có 825 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và rút lui khỏi thị trường trong năm 2023, tăng 21,61% so với năm trước. Trong đó, có 578 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc tạm ngưng hoạt động; 247 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc giải thể. Diễn biến thực tế trên thị trường cho thấy, do không có đơn hàng, Công ty cổ phần May Five Star (tại Khu công nghiệp Đại Kim, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) phải ngưng hoạt động vào đầu tháng 11/2023, khiến hơn 300 công nhân mất việc.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước quyết liệt điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế. Sau 4 lần hạ lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất huy động cũng như cho vay của các ngân hàng thương mại đã đi xuống mạnh. Tuy vậy, tăng trưởng tín dụng 2023 chỉ đạt 13,5%, thấp hơn mục tiêu đề ra (14 - 15%), vốn ứ trong các ngân hàng.
Đáng chú ý, ngày cuối cùng của năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản 10167/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng về việc cấp hết hạn mức tín dụng, thay vì cấp theo từng đợt như những năm trước. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, ước tính, sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế, nên cách cấp hạn mức tín dụng mới là một bước thay đổi cơ chế tổ chức điều hành. Đây cũng là thông điệp đối với các ngân hàng: vốn đưa vào nền kinh tế trong năm nay phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và có trách nhiệm hơn.
“Nếu như những năm trước, chúng ta xem đó là những khoản cấp phát, phân bổ thì nay là cơ chế giao để các ngân hàng phấn đấu đạt chỉ tiêu. Năm ngoái, cũng có ngân hàng tăng hết room, nhưng rất nhiều ngân hàng không hết room, thậm chí có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm. Những ngân hàng tăng trưởng âm, tăng trưởng thấp có thể do chưa mạnh dạn tăng trưởng, do đó, việc thay đổi cơ chế là để các ngân hàng này phải phấn đấu đạt mức chỉ tiêu tín dụng được giao”, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước nói.
Mặc dù toàn bộ hạn mức đã được cấp vào đầu năm, nhưng ông Tú cho biết, nếu ngân hàng nào sử dụng hết hạn mức, Ngân hàng Nhà nước vẫn xem xét có thể gia tăng nhưng điều kiện đi kèm là nền kinh tế phải cho phép việc mở rộng tín dụng và đảm bảo vốn tín dụng vào đúng đối tượng. Điều đó thể hiện sự minh bạch khách quan, không còn một cơ chế xin - cho.
Bùng nổ tín dụng: Không dễ
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về cơ sở giao room tín dụng cho các ngân hàng, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức quốc tế, các tổ chức tín nhiệm hiện nay đều cảnh báo Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhưng có dư nợ tín dụng/GDP ở mức rất cao. Theo thang chấm điểm của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Theo đánh giá của Moody và Fitch Ratings, Việt Nam là nước có tỷ lệ tín dụng trong nước/GDP cao nhất trong các quốc gia có mức xếp hạng Ba2 và BB+. Các tổ chức quốc tế luôn cảnh báo rủi ro an toàn hệ thống, an ninh tài chính Việt Nam trong bối cảnh hệ số đòn bẩy tài chính quốc gia cao.
“Mặc dù thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách điều hành đồng bộ, nhưng nợ xấu vẫn tăng nhanh và rất cao, đến nay là gần 5%. Nợ xấu của ngân hàng do doanh nghiệp và người dân không có khả năng trả nợ. Trong bối cảnh như vậy mà hệ số đòn bẩy tài chính quốc gia cao thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới an toàn hệ thống. Đây là nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết của việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng”, ông Quang nói.
Cũng theo ông Quang, những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 vẫn kéo dài sang năm 2024. Các ngân hàng trung ương lớn vẫn chưa hạ lãi suất và duy trì ở mức rất cao. Khả năng suy thoái nhẹ ở những nền kinh tế như Mỹ vẫn có thể xảy ra. Xu hướng xuất khẩu giảm, nhu cầu toàn cầu giảm sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam do nước ta có độ mở rất lớn. Nhìn vào kinh tế năm 2023, có thể thấy rõ rằng, nền kinh tế Mỹ, châu Âu hay G7 chưa suy thoái nhưng xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam đã giảm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tổng cầu, thu nhập, việc làm.
“Với xu hướng tổng cầu tiếp tục suy giảm, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy cần phải giao ngay tăng trưởng tín dụng để cố gắng thúc đẩy tổng cầu tăng, thúc đẩy tăng trưởng. Đây là giải pháp chủ động, quyết liệt, sáng tạo của Ngân hàng Nhà nước. Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng đủ vốn, kịp thời thúc đẩy nhu cầu hợp pháp, thúc đẩy sự lan tỏa vốn vào nền kinh tế”, ông Quang nhấn mạnh.
Dẫu vậy, ông Quang kỳ vọng, ngoài tín dụng ngân hàng, nguồn vốn còn đến từ đầu tư công, FDI, tư nhân, kiều hối giải ngân và trái phiếu doanh nghiệp… Các thị trường này phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 sẽ làm giảm gánh nặng của hệ thống ngân hàng, giảm rủi ro thanh khoản.
Ông Lê Hoàng Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ: “Từ góc độ ngân hàng thương mại, chúng tôi đánh giá rất cao quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước thông qua việc giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm, bên cạnh đó là thông điệp nếu tổ chức tín dụng sử dụng hết hạn mức tín dụng sớm sẽ được cân nhắc tiếp tục bổ sung thêm trong năm 2024. Quyết định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong việc điều hành kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong năm. Đồng thời, đây cũng là động thái tích cực hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, cầu tín dụng vẫn còn thấp”.
Các chuyên gia phân tích nhận định, việc mở room tín dụng ngay từ đầu năm và Ngân hàng Nhà nước cũng đã bàn giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng, với mục tiêu tăng trưởng chung toàn ngành là 15% sẽ là thông tin tích cực hỗ trợ cho các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản.
Trong khi đó, nhìn nhận về tác động của cơ chế giao room tín dụng mới, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, “năm nay, kinh tế còn khó khăn hơn nữa, không dễ tăng trưởng tín dụng được, ít nhất là trong 5 - 6 tháng đầu năm 2024”.