Doanh nghiệp bất động sản tập trung bán hàng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Quang Anh Vũ - tổng giám đốc Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt - cho biết doanh nghiệp đã giải quyết xong nợ trái phiếu nên năm nay sẽ tập trung bán hàng, thu dòng tiền để tiếp tục phát triển các dự án mới.
Theo đó Phát Đạt sẽ bung 5.000 căn hộ đối với dự án tại Bình Dương. Đồng thời tập trung dự án ở các tỉnh thành hỗ trợ pháp lý tốt, cho ra dự án nhanh để sớm bán hàng, tạo dòng tiền cho doanh nghiệp bên cạnh việc tăng vốn qua phát hành trái phiếu.
Tương tự Tập đoàn Nam Long cũng dự kiến đưa ra thị trường hơn 3.000 sản phẩm bất động sản thuộc các dự án Mizuki (TP.HCM), Akari (TP.HCM), Waterpoint (Long An), Ehome Southgate (Long An), Nam Long Central Lake (Cần Thơ)...
Theo đại diện tập đoàn, các sản phẩm mở bán trong năm nay chủ yếu nhà vừa túi tiền dành cho người có nhu cầu ở thật, tập trung các TP lớn cấp 1 và 2 với phương thức thanh toán linh hoạt.
Các “ông lớn” FDI ngành bất động sản cũng chuẩn bị ra mắt hàng ngàn căn hộ, khi Tập đoàn Gamuda Land cho biết trong quý 2-2024, tập đoàn sẽ ra mắt Eaton Park (TP Thủ Đức) với số lượng 2.000 căn. Trong quý 1-2024, tại Hà Nội, CapitaLand cũng khởi công dự án với vốn đầu tư lên đến 18.000 tỉ đồng, dự kiến cung cấp khoảng 4.000 căn hộ thuộc 9 tòa tháp.
Doanh nghiệp dè dặt sức mua
Các tập đoàn địa ốc lớn cho biết sẽ tái khởi động các dự án tại TP.HCM nếu được khơi thông các thủ tục pháp lý phát triển dự án, trong đó có những dự án cung cấp đến hàng ngàn căn hộ.
Tuy nhiên, lãnh đạo một tập đoàn bất động sản cho biết hiện doanh nghiệp vẫn còn thăm dò thị trường, chưa dám bung hàng do sức mua thị trường vẫn còn yếu.
“Mở bán giai đoạn này khá rủi ro, tất cả phải đảm bảo pháp lý và mọi chi phí đổ ra lớn, nhưng sức mua kém sẽ thêm khó khăn, doanh nghiệp cũng khó hạ giá sản phẩm cho những người mua sau”, vị này nói.
Ông Võ Hồng Thắng - giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và phát triển dự án của DKRA Group - nhận định tuy tổng thể sức cầu thị trường bất động sản năm 2024 khó bật tăng, nhưng một số phân khúc sẽ có sự đột phá.
Bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực vẫn là điểm sáng, dẫn dắt sự hồi phục của thị trường.
Theo đó, phân khúc căn hộ giá dưới 50 triệu đồng/m² tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM sẽ là lựa chọn của nhà đầu tư. Tại các đô thị vùng ven, các chung cư giá dưới 40 triệu đồng/m² ở các địa phương khác như Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Đà Nẵng... cũng là phân khúc được nhà đầu tư chọn lựa.
Nguồn cung căn hộ giảm mạnh
Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết quý 3-2023, thống kê cả nước chỉ hoàn thành 42 dự án nhà ở thương mại với gần 16.000 căn, tức số lượng căn hộ hoàn thành chỉ bằng phân nửa năm 2022 (46%). Trong khi đó, nhà ở xã hội cả nước cũng chỉ xây xong 5 dự án với số lượng căn hộ vỏn vẹn 850 căn.
Còn với giá bán, Bộ Xây dựng thừa nhận “giá căn hộ liên tục tăng cao do nguồn cung căn hộ trong những năm gần đây khan hiếm”. Điều này kéo theo lượng giao dịch thành công chỉ hơn 40% so với năm trước và lượng tồn kho bất động sản lên đến 18.808 căn.
Còn tại TP.HCM, cả TP có 15 dự án nhà ở thương mại được xác nhận đủ điều kiện để bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, với 15.020 căn được đưa ra thị trường (đến hết quý 3).
Đáng chú ý, phân khúc cao cấp có 9.969 căn và phân khúc trung cấp 5.051 căn, hoàn toàn không có nhà ở thuộc phân khúc bình dân.
Để đưa thị trường bất động sản thoát cảnh chợ chiều, đóng băng, nhiều "hiến kế", thậm chí là kêu gọi phải giảm giá để kích sức mua, nhưng nhìn chung đến hết năm 2023 giá bán vẫn không thay đổi. Nhiều doanh nghiệp nói không còn cơ hội giảm giá.