Ngày 10-1, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, vừa có cuộc làm việc liên quan đến vụ hàng trăm cán bộ, giảng viên tại trường ĐH Quảng Bình bị nợ lương đến 8 tháng.
Tại đây, cơ quan này đã đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh nghiên cứu, khẩn trương tìm giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn hiện nay của Trường đại học Quảng Bình. Đặc biệt là về công tác bảo đảm tài chính để chỉ trả lương, bảo hiểm xã hội cho cán bộ, giảng viên.
"Trường đại học Quảng Bình cần phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ đào tào, bồi dưỡng và nghiên cứu các đề tài khoa học để tạo nguồn thu bảo đảm cho hoạt động" – lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cho biết trước mắt cần chờ báo cáo cụ thể của trường.
Tuy nhiên, lãnh đạo này cũng cho biết trường đã được giao tự chủ. Tỉnh chỉ có trách nhiệm lo cho số 99 người hưởng lương từ ngân sách. Còn số hơn 130 người còn lại là do trường tự tuyển dụng nên trường phải tự quyết định về các chính sách liên quan để phù hợp với hiện trạng thực tế.
Phải tạm hoãn hợp đồng với hàng chục giảng viên bị nợ lương
Theo ông Nguyễn Đức Vượng, hiệu trưởng trường ĐH Quảng Bình, trường đang dần nâng cao mức tự chủ. Nhưng đánh giá trong thời gian tới thì nguồn thu của trường vẫn không thể đảm bảo cho việc chi trả lương cho cán bộ, giảng viên hưởng lương ngoài ngân sách.
Vì vậy, lãnh đạo trường đã đưa ra giải pháp trước mắt là sẽ thực hiện việc tạm hoãn hợp đồng với những cán bộ, giảng viên không đủ giờ dạy, không có giờ dạy và cả một số nhân viên hành chính.
Trước mắt hiện có 39 cán bộ, giảng viên, nhân viên được trường đưa vào danh sách dự kiến phải tạm hoãn hợp đồng. Thời gian tạm hoãn tùy vào số giờ dạy của từng người, nhưng tối đa sẽ là 7 tháng tính từ 1-2 đến 31-8.
"Những người trong diện hoãn hợp đồng này sẽ được trường nhận lại làm việc theo hợp đồng đã ký kết hoặc tiếp tục tạm hoãn hợp đồng trong một thời gian nhất định tùy theo tình hình thực tế của Nhà trường" - ông Vượng cũng nêu rõ.
Nhiều giảng viên đưa ra giải pháp "cứu" trường
Trước tình hình khó khăn của trường về tài chính, nhiều giảng viên là tiến sĩ, thạc sĩ tại trường ĐH Quảng Bình đã đưa ra nhiều giải pháp để "cứu" trường này.
Theo đó, giải pháp ngắn hạn theo các giảng viên là phải đầu tư phát triển các trung tâm tin học, ngoại ngữ tại trường theo mô hình của các trung tâm độc lập bên ngoài; thành lập trung tâm văn hóa – thể dục thể thao để phát triển mảng đào tạo học viên ngoài giờ hành chính. Trung tâm này sẽ phát triển theo định hướng như Nhà thiếu nhi.
"Trường hiện sở hữu hai nguồn lực rất mạnh là cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ nhân lực, nên hoàn toàn có thể phát triển các mô hình này để cạnh tranh với các trung tâm ở ngoài trường và đem lại nguồn thu", những giảng viên này nói.
Về lâu dài, các giảng viên đề xuất trường đưa ra lộ trình mở thêm trường THCS-THPT ngay trong trường. Việc này có thể tận dụng được hệ thống cơ sở vật chất khang trang và đội ngũ giáo viên dư thừa chất lượng cao của trường.
Về đề xuất này, ông Nguyễn Đức Vượng cho biết cũng đã nhiều lần đề xuất với UBND tỉnh cho thực hiện. "Tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc nên tỉnh chưa đồng ý" - ông Vượng nói.
Trường cao đẳng Y tế tỉnh Quảng Nam, nơi đang nợ lương kéo dài đối với giảng viên, người lao động, vừa được tỉnh này cấp ngân sách hơn 1,2 tỉ đồng.