Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng đối với các tập đoàn đa quốc gia (MNC) trong năm nay khi các lãnh đạo doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội từ tiêu dùng phục hồi bất chấp ảnh hưởng bởi những thách thức từ rủi ro địa chính trị và cạnh tranh từ các công ty nội.
Theo dữ liệu của Bain & Co, Trung Quốc chiếm khoảng 15% doanh thu toàn cầu của 200 MNC lớn nhất từ Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ trong năm 2022. Đối với Tesla, Mercedes-Benz và thương hiệu mỹ phẩm Nhật Bản Shiseido, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn quan trọng hơn nhiều khi đóng góp tới 22%-37% doanh thu.
Bruno Lannes, đối tác tại Thượng Hải của Bain, nhận xét: “Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển và chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong doanh thu toàn cầu của các MNC đang kinh doanh tại đây.”
Kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 5,4% vào năm 2023, cao hơn mức 3% vào năm 2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính.
Theo dự báo thị trường do Bloomberg tổng hợp, đà tăng trưởng có thể chậm lại còn 4,5% vào năm 2024, do các biện pháp kích thích từng phần không thể xoa dịu nỗi bi quan của các lãnh đạo doanh nghiệp và người tiêu dùng về triển vọng tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo Bain, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất về thực phẩm và đồ uống, ô tô, dệt may, hóa chất và sản phẩm hóa chất, sắt thép cũng như điện tử tiêu dùng.
Trung Quốc vẫn rất hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài bất chấp những biến động vĩ mô, theo Alfredo Montufar-Helu – người người đứng đầu Trung tâm Kinh tế và Kinh doanh Trung Quốc tại tổ chức tư vấn phi lợi nhuận toàn cầu The Conference Board.
“Ngày càng có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nói về sự cần thiết phải bảo vệ các hoạt động tại Trung Quốc của họ. Điều này không chỉ vì tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách là thị trường cuối cùng cho các sản phẩm và dịch vụ của họ mà còn vì tầm quan trọng của quốc gia này với tư cách là đầu mối quan trọng trong nguồn cung toàn cầu của họ nhờ vào hệ sinh thái công nghiệp có hiệu quả chi phí cao,” ông nói.
Đa dạng hóa chuỗi cung ứng là ưu tiên hàng đầu đối với các công ty nước ngoài đang tìm cách củng cố chỗ đứng tại Trung Quốc. Nhiều MNC đang “nội địa hóa càng nhiều càng tốt” ở Trung Quốc, đồng thời phát triển các trung tâm sản xuất mới ở nơi khác để đáp ứng nhu cầu toàn cầu.
“Tất cả những điều này nói lên rằng hầu hết các MNC ở Trung Quốc đều rất coi trọng thị trường này và đang nỗ lực để thúc đẩy phục hồi hoạt động trước những biến động kinh tế và địa chính trị”.
Yang Jing, giám đốc nghiên cứu doanh nghiệp Trung Quốc tại Fitch Ratings, cho biết các MNC trong ngành công nghiệp ô tô và xe điện (EV) đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc như một biện pháp phòng ngừa trước các lệnh trừng phạt và những bất ổn địa chính trị có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất.
Theo những chiến lược được gọi là “Trung Quốc+1” hoặc “Trung Quốc+N”, các công ty nhắm đến các nền kinh tế đang phát triển ngoài Trung Quốc để tìm nguồn cung ứng, sản xuất và đầu tư.
Yang cho biết: “Vào năm 2024, chúng ta có thể thấy nhiều hình thức hợp tác khác nhau giữa các nhà sản xuất/cung cấp ô tô từ Trung Quốc và nước ngoài. Việc sáp nhập và mua lại có nhiều khả năng xảy ra giữa các công ty dẫn đầu thị trường có nguồn vốn dồi dào và các công ty khởi nghiệp trong chuỗi cung ứng xe điện.”
Yang cho rằng các nhà sản xuất ô tô và xe điện nước ngoài sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn từ các doanh nghiệp trong nước trong năm tới, do các doanh nghiệp trong nước có khả năng tung ra các sản phẩm mới với mức giá cạnh tranh, cũng như việc áp dụng hệ thống lái tự động nhanh hơn. Tuy nhiên, đối với các MNC đang tìm cách duy trì thị phần của mình tại thị trường Trung Quốc, cơ hội vẫn tồn tại dưới hình thức liên doanh, sáp nhập và mua lại.
“Điểm mấu chốt là, Trung Quốc vẫn có vai trò rất quan trọng đối với các MNC và các công ty được trang bị sự chuẩn bị đầy đủ, kiến thức mới, đánh giá rủi ro khách quan và chiến lược cạnh tranh hợp lý có thể nắm bắt những cơ hội phong phú mà thị trường Trung Quốc mang lại,” chuyên gia của Bain nhận xét.
Theo SCMP